ThienNhien.Net – “Việt Nam hiện có hơn 300 doanh nghiệp xã hội, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của xã hội nhưng loại hình doanh nghiệp này chưa được thừa nhận về mặt pháp lý. Có thể nói “cái áo” của doanh nghiệp xã hội Việt Nam đang mặc đã quá chật”.
Trên đây là ý kiến của của TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo “Doanh nghiệp xã hội – từ thực tiễn đến chính sách” do CIEM và Hội đồng Anh phối hợp tổ chức ngày 15/10 tại Hà Nội.
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới sẽ lồng ghép khái niệm “doanh nghiệp xã hội” với những quyền và nghĩa vụ cụ thể nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này.
Theo nghiên cứu của CIEM và Hội đồng Anh, các doanh nghiệp xã hội của Việt Nam hình thành một cách tự phát hoặc thông qua chuyển đổi phương hướng và cấu trúc hoạt động của các NGOs cũ, phần lớn chưa thể tự đứng vững về tài chính, thu nhập từ hoạt động kinh doanh chỉ bù đắp được 50% chi phí cho các hoạt động và mục đích xã hội. Trong khi đó, vì chưa được công nhận chính thức nên ưu đãi dành cho các doanh nghiệp xã hội không nhiều, đặc biệt các doanh nghiệp xã hội cũng gặp không ít khó khăn trong việc chính thức hóa quan hệ với đối tác.
Trả lời trên Báo Tuổi trẻ về khái niệm “doanh nghiệp xã hội”, bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết: Hiện chưa có định nghĩa thống nhất về doanh nghiệp xã hội mà khái niệm này được phát triển tùy vào điều kiện ở từng địa phương và tùy vào góc độ nhìn nhận. Nhìn chung, doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tối cao là phát triển xã hội hay bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phương thức hoạt động như một doanh nghiệp. Tùy theo từng quốc gia, doanh nghiệp xã hội có thể có các hình thức pháp lý khác nhau: tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, hợp tác xã hay các doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp xã hội (có lợi nhuận và không có lợi nhuận) giống với các doanh nghiệp khác vì đều tổ chức và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ doanh nghiệp xã hội được thành lập để giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội như đói nghèo, ô nhiễm môi trường, bảo vệ trẻ em… |