ThienNhien.Net – Là một trong những chỉ số quan trọng nhất của trạng thái môi trường, tuy nhiên bảo tồn đa dạng sinh học lại không được xem xét một cách rõ ràng trong quy trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ở Việt Nam, cho đến nay, hầu hết các báo cáo ĐTM rất ít chú ý đến đánh giá tác động tiềm tàng của dự án đến đa dạng sinh học.
Ít được chú ý vì thiếu tiêu chí
Theo yêu cầu của các quy định về ĐTM, đánh giá tác động đến đa dạng sinh học là việc xem xét tác động của dự án phát triển đến hệ động, thực vật và các mối quan hệ giữa chúng. Một cách lý tưởng, đánh giá tác động đến đa dạng sinh học cần được lồng ghép trong quy trình ĐTM theo phương pháp tiếp cận hệ thống. Phương pháp này được tác giả Helen Byron mô tả chi tiết trong nghiên cứu “Biodiversity and Environmental Impact Assessment: A Good Practice Guide for Road Schemes”, xuất bản năm 2000.
Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án phát triển rất ít, thậm chí hầu như không chú ý tới tác động đến đa dạng sinh học trong quy trình thực hiện ĐTM. Dễ có thể nhận thấy bất cập này ở rất nhiều báo cáo ĐTM thông qua một vài điểm nhận định sau.
Thứ nhất, các dự án không có sự cân nhắc thích hợp về đa dạng sinh học khi lựa chọn vị trí thực hiện dự án. Việc xem xét các phương án lựa chọn vị trí dự án được coi là vấn đề bất cập nhất trong quy trình thẩm định dự án đầu tư ở nước ta hiện nay. Hầu hết các dự án được chấp thuận địa điểm trước khi nghiên cứu ĐTM và báo cáo đầu tư. Vì vậy, các vấn đề nhạy cảm với môi trường, bao gồm đánh giá khả năng chịu tải môi trường và tính đặc thù của hệ sinh thái trong khu vực dự kiến triển khai dự án thường bị bỏ qua và ĐTM thực chất chỉ còn đóng vai trò cố gắng giảm thiểu mà không thể ngăn ngừa các tác động tiêu cực, thậm chí trong nhiều trường hợp đây là nhiệm vụ bất khả thi.
Sự ít chú ý đến tác động tới đa dạng sinh học trong quy trình ĐTM ngoài ra còn thể hiện ở việc tập hợp dữ liệu hiện trạng đa dạng sinh học rất nghèo nàn. Nhìn chung, các báo cáo ĐTM hiện nay chứa rất ít thông tin, dữ liệu về hiện trạng đa dạng sinh học cũng như về phương thức sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học. Đa phần chỉ tập trung vào các hệ sinh thái cần được bảo vệ mà không chú ý đến các hệ sinh thái không được ưu tiên bảo vệ. Điều này dẫn đến một số nhận định sai lệch về cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học đặc thù cho từng khu vực. Bên cạnh đó, các thông tin về hệ sinh thái cũng mới chỉ chú ý đến số lượng mà ít chú ý đến cấp độ của đa dạng sinh học cũng như thiếu thông tin về các mối quan hệ chức năng của các hệ sinh thái.
Điểm bất cập thứ ba cũng đáng lưu tâm là tác động đến đa dạng sinh học chưa được đánh giá thực sự đầy đủ, thuyết phục. Đa dạng sinh học của một khu vực chịu nhiều tác động khác nhau từ những hoạt động phát triển khác nhau. Bất kỳ sự thay đổi nào của hệ sinh thái cũng thường là hệ quả của những tác động trực tiếp, tác động gián tiếp, đặc biệt là tác động tích lũy, tuy nhiên các báo cáo ĐTM hiện mới chỉ chú ý phân tích tác động trực tiếp mà hầu như bỏ qua đánh giá tác động tích lũy.
Điều đáng nói là Việt Nam hiện chưa có các tiêu chuẩn/tiêu chí/chỉ thị về đa dạng sinh học để so sánh, đánh giá mức độ và tầm quan trọng của các tác động được dự báo. Các dự báo đưa ra cũng không được đánh giá về độ chắc chắn tin cậy, vì vậy các kết quả dự báo tác động thường không đầy đủ, không chính xác và không thuyết phục. Điều này dẫn đến các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và khả năng tăng cường tác động tích cực đã không được xem xét đầy đủ để đảm bảo tính khả thi cũng như hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.
Luật mới chỉ định hướng cơ bản
Hiện Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp quy liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học như: Luật Bảo vệ Môi trường 2005, Nghị định số 29/2011/ND-CP và Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT; Luật Đa dang sinh học 2008 và Nghị định số 65/2010/ND-CP; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Nghị định số 117/2010/ND-CP và Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT; Luật Thủy sản 2003 và Nghị định số 27/2005/ND-CP.
Trong các văn bản pháp pháp quy nêu trên, đa dạng sinh học được coi là một nội dung của môi trường tự nhiên, có tiềm năng chịu tác động từ các hoạt động phát triển, vì vậy tác động đến đa dạng sinh học cần được đánh giá và cần đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực trong quy trình đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hoặc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tương tự như các thành phần môi trường tự nhiên khác.
Mặc dù cũng quy định các nguyên tắc chung về bảo vệ đa dạng sinh học, song các văn bản lại không quy định cụ thể về các nội dung đánh giá tác động đa dạng sinh học và nhất là không đề cập đến việc cần thiết xây dựng các tiêu chuẩn/tiêu chí/chỉ thị đa dạng sinh học quốc gia để so sánh khi đánh giá.
Các dự án tiềm ẩn tác động đến đa dạng sinh học tuy đã được đưa vào danh mục phải thực hiện ĐTM nhưng lại không có quy định cần lưu ý đến các tác động nào (loại tác động, quy mô tác động).
Nhìn chung, trong những văn bản pháp kể trên , quy định về đánh giá tác động đến đa dạng sinh học trong ĐMC, ĐTM chỉ là những định hướng cơ bản, chưa đủ rõ ràng để thực hiện, vì vậy đã dẫn đến những bất cập khi triển khai trong thực tế.
Một số khuyến nghị
Thực tế thẩm định các dự án phát triển trong thời gian qua, đặc biệt là các dự án thủy điện, khai khoáng, phát triển cảng biển… cho thấy cần sớm đưa quy định về lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong quy trình ĐTM, ĐMC vào các Luật liên quan, trước hết là Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) hoặc Luật Đa dạng sinh học (dự kiến sửa đổi trong thời gian tới).
Nguyên tắc và nội dung lồng ghép đánh giá tác động đến đa dạng sinh học trong quy trình ĐTM có thể dựa trên một số gợi ý sau:
Thứ nhất, việc lồng ghép đánh giá tác động đến đa dạng sinh học là một cách tiếp cận tổng thể và toàn diện để xem xét tác động của các dự án phát triển đến hệ động thực vật và dịch vụ hệ sinh thái cũng như các mối quan hệ giữa chúng. Cách tiếp cận này sẽ hỗ trợ giảm thiểu tối đa tác động đến đa dạng sinh học của các dự án phát triển, đảm bảo dự án phát triển được tích hợp với cân nhắc bảo tồn đa dạng sinh học và phù hợp về mặt pháp lý cũng như cung cấp và chia sẻ công bằng những lợi ích phát sinh từ việc sử dụng đa dạng sinh học.
Thứ hai, lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các dự án phát triển thông qua công cụ ĐTM là cách làm phổ biến và có hiệu quả nhất hiện nay. Đánh giá tác động đến đa dạng sinh học là đánh giá tác động tiềm năng từ các hoạt động của dự án phát triển đến chất lượng của môi trường vật lý cần thiết để duy trì các hệ sinh thái và các loài trong hệ sinh thái này. Cần đặc biệt lưu ý các tác động đến các loài tạo nên yếu tố tự nhiên của đa dạng sinh học bản địa, các loại môi trường sống và các mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau của các loài sinh vật sống trong môi trường đó.
Thứ ba, các quy định về lồng ghép đánh giá tác động đến đa dạng sinh học trong ĐTM cần cụ thể, tập trung vào những nội dung chính và cần có quy định về các tác động đến đa dạng sinh học phải đặc biệt lưu ý khi đánh giá. Cần sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn/tiêu chí/chỉ thị ĐDSH quốc gia để sử dụng so sánh khi đánh giá. Bên cạnh đó, tham vấn cộng đồng cũng phải được coi là nội dung quan trọng không thể thiếu trong đánh giá tác động đến đa dạng sinh học.
TS. Lê Hoàng Lan, Công ty Pi C&E
Tài liệu tham khảo
1. Secretariat of the Convention on Biological Diversity, Netherlands Commission for Environmental Assessment – Biodiversity in Impact Assessment, Background Document to CBD Decision VIII/28: Voluntary Guidelines on Biodiversity-Inclusive Impact Assessment, 2006
2. Commission for Environmental Assessment (The Netherlands) – Biodiversity in EIA and SEA, 2006
3. Byron H. – Biodiversity and Environmental Impact Assessment: A Good Practice Guide for Road Schemes, 2000
4. The Energy & Biodiversity Initiative – Integrating Biodiversity into Environmental and Social Impact Assessment Processes
5. Một số báo cáo ĐTM thực hiện ở Việt Nam trong thời gian qua: ĐTM dự án thủy điện Sông Bung 4, giai đoạn 2, 01/2007; ĐTM dự án thủy điện Trung Sơn, 05/2008; ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A, 06/2013; ĐTM dự án Đầu tư xây dựng công trình Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng – Giai đoạn khởi động, 12/2012.