ThienNhien.Net – Sau nhiều sự cố liên quan đến hồ thủy điện, thủy lợi quy mô nhỏ, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tăng cường giám sát mức độ an toàn đối với các công trình này.
Hiện cả nước có trên 6.500 hồ chứa thủy điện, thủy lợi với tổng dung tích trữ nước khoảng 11 tỷ m3 nước, đa số đều đang vận hành an toàn, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, số hồ thủy điện, thủy lợi quy mô nhỏ có nhiều vấn đề liên quan tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thực tế những sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong giai đoạn vận hành thử thường tập trung ở các công trình có quy mô nhỏ do tư nhân làm chủ đầu tư.
Ông Lê Quang Hùng, Cục Trưởng Cục giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng việc xả lũ gây ngập úng tại miền Trung vừa qua cho thấy kịch bản xả lũ, xả lũ liên hồ rất quan trọng. Việc xả lũ khi mưa lớn là đương nhiên, nhưng phải biết ngập đến đâu để kịp thời thông báo cho người dân để chủ động đối phó, giảm thiểu thiệt hại.
Vì vậy, cần xem lại việc ứng phó, vận hành hồ chứa trong điều kiện khẩn cấp với quy trình xả lũ bất thường, không có kịch bản, thời gian thông báo xả lũ quá ngắn so với thời gian lũ về, không tính toán được lưu lượng, tần xuất lũ càng làm tăng thêm những thiệt hại, ảnh hưởng đời sống kinh tế-xã hội cho người dân trong khu vực.
Về giải pháp tăng cường quản lý phát triển công trình thủy điện, thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 72 theo hướng quy định rõ vai trò quản lý Nhà nước trong công tác quản lý an toàn đập như: Thẩm quyền chủ trì xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đối với các hồ trên cùng hệ thống sông; thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ đập đối với trường hợp công trình liên quan đến hai tỉnh, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập đối với trường hợp vùng hạ du đập nằm ở nhiều tỉnh khác nhau hoặc vùng hạ du đập thuộc lãnh thổ nước khác”.
Đồng thời rà soát và điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc kiểm soát Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và bảo trì công trình trong quá trình vận hành, khai thác… Các địa phương, bộ, ngành cần tăng cường kiểm soát các chủ đầu tư trong việc thực hiện các quy định quản lý an toàn đập, đặc biệt đối với các chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân; rà soát, chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thực hiện tính toán thêm tần suất lũ kiểm tra theo tiêu chuẩn TCVN 285-2002 nhằm nâng cao khả năng tháo lũ cho công trình…
Đặc biệt các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy định, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong quản lý vận hành các hồ đập thuỷ điện; thủy lợi, có chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng thiết kế, thi công, quan trắc, đánh giá an toàn đập, tăng cường độ chính xác dự báo thời tiết trung và dài hạn để chủ động xả lũ cho công trình, tránh trường hợp xảy ra lũ kép như một số trường hợp vừa qua.