ThienNhien.Net – Những ngày có gió hanh về, trong lòng những kẻ phố thị ham đi lại thổn thức nhớ những cung đường vùng cao, nơi cái lạnh vừa đủ làm se sắt lòng người mỗi khi dừng nghỉ ở đỉnh những con đèo heo hút bóng người. Và cái tên Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) hẳn sẽ là một nơi đáng để bạn phải nhớ tới vào những ngày có gió.
Một sớm tháng 10, khi chút gió lạnh đầu mùa mới chỉ thực rõ nét vào buổi sớm báo hiệu một mùa đông sắp tới ấy cũng là lúc dân đi rục rịch lên đường. Chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho những điểm đến ở phía Tây biên giới, nơi có con đường đi Điện Biên Đông ngầu bụi đỏ chạy qua đỉnh đèo Keo Lôm vàng rực dã quỳ.
Từ Hà Nội đi xe khách lên tới thành phố Điện Biên rồi chạy xe máy theo Quốc lộ 279 khoảng 12km thì rẽ đi hướng Điện Biên Đông, từ đây bạn đã bắt đầu bước vào cuộc hành trình dữ dội. Trên suốt chặng đường dài 45km bụi mờ, có đoạn chỉ toàn đất đỏ với bao thử thách đã mang lại thật nhiều cảm xúc. Và thật bất ngờ khi bắt gặp một khung cảnh vàng rực màu hoa dã quỳ giữa đỉnh đèo Keo Lôm bồng bềnh giữa mây trời và gió.
Keo Lôm dài chừng 20km, là một trong những con đèo điển hình của núi rừng Tây Bắc với độ dốc cao, đường đi quanh co, khí hậu mát lạnh quanh năm. Trên đỉnh đèo nhìn bao quát xung quanh chỉ toàn là mây trời bao bọc những đỉnh núi mờ xa, họa hoằn lắm mới có khoảnh khắc ánh nắng xuyên qua được lớp mây dày đặc để sưởi ấm cho những nếp nhà dưới thung lũng. Trên những vách núi là bạt ngàn sắc vàng của hoa dã quỳ, dưới cái nắng hanh hao của buổi chớm đông bỗng đâu bầu không khí như được làm ấm lên dù cho gió vẫn đang quật liên hồi vào những thân cây mọc ven sườn núi.
Trên đỉnh đèo thi thoảng bạn sẽ bắt gặp một vài cụ già người Mông với gùi dưa nặng trĩu đang mời bán cho khách bộ hành. Đây là thứ dưa nửa giống dưa chuột nửa giống dưa gang, quả to và mọng nước, ăn vào mát lịm và hơi ngòn ngọt chủ yếu dùng để giải khát. Cuộc sống nơi đỉnh đèo Keo Lôm chỉ có vậy, không ồn ào mua bán như những đỉnh đèo Thung Khe, Ô Quý Hồ, Khau Phạ… mà ta vẫn thường gặp. Phải chăng bởi cái heo hút, sự cô quạnh vắng bóng người qua cùng sắc vàng đầy hoang hoải ấy đã để lại một nỗi nhớ cho những ai đã từng có dịp qua đây.
Từ đỉnh đèo, đi nốt quãng đường để tới thị trấn Điện Biên Đông, băng qua những cây cầu tre đan nhìn có vẻ mong manh nhưng kỳ thực vô cùng bền chắc của đồng bào Thái bắc qua những khúc suối chảy xiết là đến cụm tháp cổ Mường Luân, nơi giáp ranh Lào – Việt. Rồi cứ đi tiếp nữa là tới được nơi có ba dòng suối tụ nhau lại tạo thành nơi khởi thủy của dòng sông Mã huyền thoại, con sông chuyên chở nỗi nhớ chơi vơi của biết bao người Việt mang trong mình nỗi khắc khoải về một “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”.