ThienNhien.Net – Trong Quy hoạch phát triển ngành cao su được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009, mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) các sản phẩm cao su đạt 2 tỷ USD. Nhưng trên thực tế, kim ngạch XK của toàn ngành đã đạt tới 4,26 tỷ USD trong năm 2012, dự kiến đạt 4 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, ngành cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả sụt giảm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) xung quanh vấn đề này.
– Với kim ngạch XK kỷ lục 2,86 tỷ USD trong năm qua, bà có thể cho biết rõ hơn về tiềm lực kinh tế của ngành cao su nước ta?
Con số 2,86 tỷ USD chỉ là kim ngạch XK cao su nguyên liệu. Kim ngạch toàn ngành phải tính đến các sản phẩm cao su đã chế biến và sản phẩm từ gỗ cây cao su. Năm 2012, XK các sản phẩm chế biến từ cao su đạt kim ngạch 1,008 tỷ USD. Trong đó, lốp xe chiếm 33%, linh kiện cao su và sản phẩm cao su lưu hóa 30%, đế giày cao su 12%, săm 7%, găng tay 6%, còn lại là các sản phẩm băng tải, chỉ thun, nệm gối… XK đồ gỗ cao su cũng đem về khoảng 400 triệu USD. Như vậy, tổng kim ngạch XK của toàn ngành lên tới 4,26 tỷ USD.
Xét về giá trị XK, ngành cao su đứng thứ 8, sau hàng dệt may, điện thoại, dầu thô, sản phẩm điện tử, giày dép, thủy sản, máy móc thiết bị.
Nhu cầu cao su thế giới tăng liên tục trong những năm qua đã khuyến khích Việt Nam mở rộng diện tích trồng cây cao su để tăng kim ngạch XK và là giải pháp phát triển đa mục tiêu nhằm cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội nông thôn, phủ xanh đất trống rừng nghèo. Đến nay, nước ta đã trở thành nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 5 thế giới, với diện tích cây cao su đạt 910.500ha; sản lượng 863.600 tấn trong năm 2012. Việt Nam xếp thứ 4 về khối lượng cao su thiên nhiên XK, chiếm 10,6% thị phần thế giới năm 2012, với khối lượng XK 1.023.230 tấn (bao gồm cả nguồn tạm nhập tái xuất). Năng suất cây cao su ở Việt Nam xếp thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan, đạt 1,707 tấn/ha. Năm 2012, doanh thu bình quân của các vùng trồng cao su đạt 105 triệu đồng/ha, lợi nhuận 40 triệu đồng.
– Bà có thể cho biết tình hình sản xuất và tiêu thụ cao su trong năm 2013?
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, khối lượng cao su XK đạt 115.000 tấn, trị giá 257 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm, sản lượng XK cao su đạt 725.000 tấn với kim ngạch 1,71 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% về khối lượng nhưng giảm 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012 vì giá giảm trên 17%. Trung Quốc mặc dù vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ lớn nhất cao su của Việt Nam (chiếm 42,7% tổng giá trị XK) nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với năm 2012 (giảm 10,3% về lượng và 24,8% về giá trị). Thị trường tiêu thụ cao su lớn thứ 2 là Malaysia, chiếm 21,2% tổng giá trị XK, tăng 17,4% về lượng, giảm 6,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường tiêu thụ năm nay khó khăn hơn năm 2012 do nền kinh tế thế giới chưa hồi phục đầy đủ, trong khi nguồn cung từ các nước có xu hướng tăng, sự cạnh tranh giữa các nước XK cao su gay gắt hơn. VRA ước tính, từ nguồn thu hoạch trong nước, cùng với sự gia tăng lượng cao su từ Lào do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư gần đây đã bắt đầu được khai thác, sản lượng cao su thiên nhiên XK của nước ta có thể đạt 1 triệu tấn trong năm 2013 (tương đương năm trước), dự báo kim ngạch XK đạt khoảng 2,4 tỷ USD vì giá giảm mạnh. Cùng với nguồn kim ngạch XK từ các sản phẩm của công nghiệp chế biến cao su và gỗ cao su, ước tính tổng kim ngạch toàn ngành năm nay đạt khoảng 4 tỷ USD nhờ những nỗ lực rất lớn của toàn ngành và các ngành liên quan trong tình hình giá cả sụt giảm trên thế giới.
– Giá cao su XK và giá mủ cao su trong nước sụt giảm mạnh so với năm 2012, phải chăng cung đã vượt cầu, nguy cơ trồng cao su sẽ thua lỗ, thưa bà?
Giá cao su XK bình quân từ đầu năm 2013 đến nay đạt 2.393 USD/tấn, giảm 17,7% so với mức giá 2.907 USD/tấn của năm 2012. Nhìn lại diễn biến giá cao su thấy, những năm 1996-2003, giá cao su trong nước chỉ ở mức 10 triệu đồng/tấn; từ năm 2004, giá cao su liên tục tăng nhanh, đến năm 2009 đạt hơn 30 triệu đồng/tấn, năm 2010 lên hơn 60 triệu đồng/tấn, năm 2011 đạt mức cao kỷ lục tới 92 triệu đồng/tấn (cao gần gấp đôi so với giá thành sản xuất). Từ năm 2012 đến nay, giá cao su giảm, hiện còn khoảng 50 triệu đồng/tấn nhưng vẫn cao hơn giá thành (do có thể điều chỉnh tiết kiệm chi phí nên người trồng vẫn còn lãi, tuy không cao như những năm trước). Trong 40 năm qua, giá bán cao su chưa bao giờ thấp dưới giá thành, cho thấy cây cao su ít rủi ro hơn so với nhiều cây trồng khác. Phân tích thị trường cao su thế giới, nguồn cung có khả năng vượt hơn cầu từ năm 2013, nhưng không vượt nhiều và có khả năng cân bằng với cầu vào năm 2020 vì nhu cầu cao su thiên nhiên được dự đoán vẫn sẽ tăng từ 2012 đến 2022, với tốc độ khoảng 4%/năm và đạt khoảng 17 triệu tấn vào năm 2022.
– Bà có thể cho biết những định hướng, giải pháp của ngành cho chiến lược XK cao su bền vững?
Lường trước khó khăn sẽ còn tiếp tục khi nền kinh tế thế giới chưa phục hồi đầy đủ, ngành cao su đề ra chiến lược phát triển bền vững, nâng cao giá trị ngành hàng, đảm bảo hiệu quả và giá trị của sản phẩm XK.
VRA và các hội viên đang phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường việc quản lý chất lượng sản phẩm cao su nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị xuất khẩu, tiến đến xây dựng và củng cố thương hiệu của ngành.
VRA cũng khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả của cây cao su trong những giải pháp gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng nguồn thu (trồng xen, chăn nuôi kết hợp, tham gia thị trường tín chỉ cacbon… ) để người sản xuất thích ứng được với sự biến động về giá cả và thị trường.
Thời gian qua, giá cao su tiểu điền đã giảm mạnh do phụ thuộc vào thị trường mậu biên, bởi vậy trong trường hợp giá mủ nước tiểu điền giảm quá giới hạn, các công ty thành viên của hiệp hội sẽ tăng cường thu mua mủ nước để tránh gây hỗn loạn thị trường.
VRA đang cùng các hội viên đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thế giới và đề xuất những chính sách tháo gỡ khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp cũng như những chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su cũng như đồ gỗ cao su xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Xin cảm ơn bà!