ThienNhien.Net – Ban đêm, giữa rừng xanh thâm u, khi những loài sinh vật treo mình trên những vòm lá, thân cây để ngủ là lúc “kẻ độc hành chốn rừng xanh” bắt đầu cuộc hành trình. Một chiếc ba lô, một ánh đèn pin leo lét trong đêm, hành trang ấy đã theo Phùng Mỹ Trung – cán bộ Cục Hải quan Đồng Nai (hiện đang phụ trách chính website của Cục Hải quan Đồng Nai www.dncustoms.gov.vn), khám phá những điều bí ẩn, độc đáo của thiên nhiên dọc chiều dài dải đất hình chữ S. Anh là tác giả vừa giành giải Đặc biệt cuộc thi viết về “Không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang da nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng, góp phần bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học Việt Nam” (Báo Hải quan số 114 đã giới thiệu bài viết).
Tình yêu và… những cuộc hò hẹn
Nhiều năm lăn lội từ những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc xa xôi đến vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên rồi qua những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt vùng Đông Nam Bộ, dấu chân của Phùng Mỹ Trung đã in hằn lên khắp những cánh rừng già dọc chiều dài đất nước. Những chuyến đi của anh không chỉ để khám phá những vùng đất mới, để trải nghiệm cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên mà còn để nghiên cứu, mang về những loài sinh vật mới, bộ sưu tập độc đáo và có giá trị to lớn đối với những người đam mê nghiên cứu sinh vật rừng.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhưng Phùng Mỹ Trung lại sớm có đam mê với những bí ẩn của rừng xanh từ khi còn là một cậu bé. Chia sẻ về điều này, anh tâm sự: “Gia đình tôi vốn có truyền thống làm Kiểm lâm, nên từ khi còn bé đã được bố dẫn vào rừng chơi, được bố chỉ cho đặc điểm của từng loài cây, con thú… nên đam mê khám phá, tìm hiểu về thiên nhiên đã ngấm vào tôi từ đó”.
Đều đặn, cứ chiều thứ 6, sau khi hoàn tất công việc của một công chức Hải quan là “nhà khoa học tay ngang” lại bắt xe khách đi nghiên cứu. Ban đầu anh đến những địa điểm như đảo Cát Tiên, biển đảo Đại Lãnh, đảo Hòn Khoai, cứ thế tình yêu với thiên nhiên, đam mê nghiên cứu khoa học cứ lớn lên và những chuyến “đánh bắt xa bờ” ngày càng nhiều, đó là những vùng đất như Phú Yên, Cà Mau, Khánh Hoà hay Lào Cai, Yên Bái…
Lật từng chiếc lá khô dưới đất, soi sét từng gốc cây, ngọn cỏ, lăn lê, bò toài xuống đất để chụp ảnh, vuốt ve những chú bò sát trên tay, anh chia sẻ mình đặc biệt yêu loài bò sát lưỡng cư. Coi những cô, cậu bò sát như người yêu, anh đùa vui: “Cuối tuần mình phải đi thăm các tình yêu vì các em đang có bầu” hay “mình chỉ thích chân ngắn (thằn lằn, cóc nhái) không thích chân dài”.
Chính “tình yêu đặc biệt” này đã thôi thúc “kẻ độc hành cùng rừng xanh” thường có những chuyến đi trong đêm- thời điểm là nỗi sợ hãi của nhiều người đi rừng, những với anh lại là “giờ vàng” những điều kì diệu.
Đối với anh, rừng xanh là gia đình thứ hai, là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn anh. Cũng vì lý do ấy, mỗi gốc cây, ngọn cỏ hay một loài bướm, côn trùng đều là một bí ẩn mà anh đã và đang dành hết tâm huyết để nghiên cứu.
Truyền đam mê cho thế hệ trẻ
Rời xa những cánh rừng đại ngàn, Phùng Mỹ Trung quay trở lại góc làm việc của mình trong căn phòng nghiên cứu nhỏ tại nhà. Đây là thời điểm thành quả của những chuyến đi được anh tỉ mỉ, cận thận nghiên cứu, đánh giá, chia sẻ cùng những bạn bè trong và ngoài nước thông qua các bài báo và trang web “sinh vật rừng Việt Nam” (www.vncreatures.net) do anh trực tiếp sáng lập và làm quản trị.
Với anh niềm đam mê nghiên cứu, khám phá thiên nhiên không chỉ cho riêng mình mà anh còn truyền lửa cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những người yêu thiên nhiên, cùng chung đam mê khám phá những bí ẩn của những cánh rừng xanh để họ cùng chung tay gìn giữ báu vật mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.
Hiện nay, Phùng Mỹ Trung không chỉ nghiên cứu mà còn thường xuyên hướng dẫn những học sinh, sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu về thiên nhiên, tài nguyên rừng Việt Nam. Trang web “Sinh vật rừng Việt Nam” do Phùng Mỹ Trung làm quản trị với nhiều bài viết nghiên cứu về động thực vật mỗi ngày có hơn 8.000 lượt truy cập và cho đến thời điểm hiện tại đã có hơn 28 triệu lượt truy cập. Bên cạnh đó, Phùng Mỹ Trung cùng các đồng nghiệp đã có 17 bài báo được đăng trên các tạp chí nổi tiếng của quốc tế và công bố được 7 loài mới. Trong đó đa số đều là những loài bò sát lưỡng cư ở Việt Nam như: Thằn lằn ngón Cát Tiên, thằn lằn ngón ở Đại Lãnh, cóc núi Fansipang hay một loài nhông ở Hòn Bà sắp được công bố… và đạt nhiều giải thưởng như:
Giải Nhất Trí tuệ Việt Nam với phần mềm Sinh vật rừng Việt Nam, giải Nhì Vifotec của Hội Khoa học Kỹ Thuật Việt Nam, giải Nhất Tuổi trẻ sáng tạo khoa học kỹ thuật của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Theo Phùng Mỹ Trung, để có được những kết quả này không chỉ là những nỗ lực của bản thân mà còn là sự động viên, gúp đỡ, tạo điều kiện của cơ quan, đồng nghiệp tại Cục Hải quan Đồng Nai và sự trợ giúp nhiệt tình của các bạn bè nghiên cứu sinh học trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về dự định của bản thân trong tương lai, anh tâm sự: “Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành những công việc do cơ quan, đơn vị giao phó tôi sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê về nghiên cứu thiên nhiên. Hi vọng lớn nhất của tôi là phát hiện ra thêm nhiều loài mới hơn nữa, đi đến những vùng đất xa hơn, khó khăn hơn để tìm hiểu đặc tính sinh thái của các loài động vật sinh sống ở đó”.