Chỉ dẫn về các loài Thông ở vùng núi Mai Châu – Mộc Châu

ThienNhien.Net – Đây là nhan đề ấn phẩm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) biên soạn và xuất bản nhằm cung cấp những thông tin cụ thể, cập nhật về những loài cây gỗ thuộc lớp Thông (Pinopsida), gọi chung là cây lá kim của hệ thực vật vùng núi giáp ranh giữa hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

Việc xuất bản và phát hành cuốn Chỉ dẫn này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nói chung, bảo tồn các loài cây lá kim nói riêng, bởi hành lang núi đá vôi Hòa Bình – Sơn La, cụ thể là vùng núi Mai Châu – Mộc Châu là một trong những khu vực có giá trị cao về đa dạng sinh học, song thông tin về các loài cũng như hoạt động bảo tồn đối với những loài nguy cấp nơi đây vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và lưu tâm đúng mức.

Theo khảo sát của nhóm cán bộ hiện trường thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, vùng núi Mai Châu – Mộc Châu có ít nhất 12 loài cây thuộc lớp Thông đã được biết đến, thuộc năm họ cây khác nhau, phân bố trên hai vùng sinh cảnh đặc trưng. Cụ thể, trên vùng núi đá vôi là nơi sinh sống của các loài Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis), Bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris), Pơ mu (Fokienia hodginsii), các loài này thường mọc ở tầng tán trên; trong khi đó, loài Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgerii) hay hiếm hơn là Thông đỏ (Taxus chinensis), Dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argoteania) phân bố rải rác ở tầng tán dưới hoặc ở những dông núi có độ cao thấp hơn.

Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis) - Ảnh: PanNature
Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis) – Ảnh: PanNature 
Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgerii) - Ảnh: PanNature
Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgerii) – Ảnh: PanNature
Thông đỏ (Taxus chinensis) - Ảnh: PanNature
Thông đỏ (Taxus chinensis) – Ảnh: PanNature

Đặc biệt, ấn phẩm đã cung cấp một số thông tin về các loài Thông mới gặp trên vùng núi đất của huyện Mộc Châu, chẳng hạn như loài Thông Xuân Nha (Pinus aff armandii), là loài vừa được phát hiện cho khu vực này, hay thông tin về quần xã các loài Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii) và Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis), là những loài lần đầu được bắt gặp tại đây.

031013_thongxuannha
Thông Xuân Nha (Pinus aff armandii) – Ảnh: PanNature
031013_Dinhtung
Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii) – Ảnh: PanNature
031013_De-tung-soc-rong
Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis) – Ảnh: PanNature

Điều đáng quý là không chỉ đơn thuần cung cấp thông tin về các loài, ấn phẩm còn nêu những hướng dẫn cụ thể cách nhân giống các loài cây lá kim trong điều kiện vườn ươm thông thường bằng các phương pháp nhân giống thích hợp với từng loài nhằm hướng tới bảo tồn lâu dài và phát triển bền vững các tài nguyên thực vật quý của khu vực.

Tuy dung lượng nhỏ nhưng ấn phẩm được xem là một cuốn tài liệu hiện trường không thể thiếu đối với những cán bộ nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn cây lá kim. Đúng như lời GS.TS. Phan Kế Lộc, nhà nghiên cứu thực vật hàng đầu của Việt Nam đã nhận định: “Cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng nhiều thông tin và ảnh minh họa sinh động từ kết quả nghiên cứu trên thực địa và trong vườn ươm cho các loài Thông ở một khu vực núi cực nam Tây Bắc. Các dữ liệu về địa điểm phân bố, đánh giá diện tích khu phân bố, nơi cư trú cùng trữ lượng quần thể lần đầu tiên được nêu lên. Một cuốn sách rất bổ ích cho những người làm công tác bảo tồn trên thực tế…”.

Toàn bộ các thông tin, mô tả, phân bố, sinh cảnh tự nhiên, hiện trạng bảo tồn và hình ảnh trong cuốn Chỉ dẫn được thu thập từ hoạt động hiện trường tại khu vực do PanNature thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2013. Hoạt động này nằm trong Dự án nghiên cứu “Bảo tồn cây lá kim tại hành lang núi đá vôi Hòa Bình – Sơn La” do Quỹ Rufford tài trợ. Ngày 25/9/2013, PanNature tổ chức Hội thảo tổng kết, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đồng thời chính thức công bố ấn phẩm tại Mộc Châu.

Xem bản online ấn phẩm tại đây.