ThienNhien.Net – “Việc Chính phủ yêu cầu loại bỏ dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A ra khỏi quy hoạch chính là bài học cảnh tỉnh cho những chủ đầu tư các dự án thủy điện đang âm mưu “ngốn” rừng…”.
Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã nhận định như trên khi trả lời phỏng vấn Nông thôn Ngày nay về tình trạng nhiều dự án thủy điện xâm hại rừng…
Thưa ông, sau một thời gian khá dài, cuối cùng thì dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A đã bị Chính phủ yêu loại bỏ khỏi các quy hoạch được duyệt. Ông nghĩ sao về quyết định này?
– Tôi đã phản đối các dự án thủy điện này ngay từ khi nó mới bắt đầu được đề xuất xây dựng. Bởi hai dự án thủy điện này sẽ làm mất vĩnh viễn 372,23 ha đất rừng, trong đó có 128,37 ha đất ở khu Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên; đồng thời sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ du đập Thủy điện Đồng Nai 6, 6A và tiềm ẩn nhiều bất lợi khác. Mặt khác nói thẳng, nếu Chính phủ có đề nghị tiếp tục đầu tư hai dự án này thì khi trình lên Quốc hội, cơ quan này cũng sẽ không thông qua. Giờ Chính phủ đã quyết bỏ thì chẳng còn bộ, ngành nào dám ủng hộ, dám cho triển khai nữa. Hai dự án này từ khi khởi động đến nay đã rất tốn kém tiền của nhưng chính các nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu các tốn kém này.
Không chỉ Đồng Nai 6, 6A mà hiện nay, vẫn còn rất nhiều dự án thủy điện cũng đang ở tình trạng tương tự như dự án Thủy điện Ea KTuor ở tỉnh Đắk Lắk đe dọa Vườn Quốc gia Chư Ang Sin hay Vườn Quốc gia Yok Đôn bị đe dọa bởi Thủy điện Đrăng Phốk, thưa ông?
– Tôi đã lên tiếng nhiều lần về việc nhiều dự án thủy điện hiện nay được “dựng lên”? thực chất là để phá rừng. Nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện có kiến thức gì về thủy điện đâu. Họ làm dự án thủy điện là để bắt tay cùng lâm tặc phá rừng, lấy gỗ, rồi bỏ không làm thủy điện nữa. Các dự án thủy điện lớn hàng chục MW còn chả lộc lãi gì huống chi mấy dự án thủy điện chỉ có vài MW. Đầu tư thủy điện hiện nay đã không còn là miếng bánh béo bở, với thủy điện nhỏ thì càng cầm chắc thua lỗ. Một dự án thủy điện vài MW vốn cũng khoảng 1.000 tỷ đồng, đòi hỏi vốn tự có của doanh nghiệp ít nhất là 30%, còn lại vay đến 70%. Bình quân một dự án thủy điện ít nhất phải 10 – 14 năm mới hoàn vốn, trong khi hiệu suất lợi nhuận mang lại không đủ bù lãi vay ngân hàng, chưa kể tính rủi ro của dự án thủy điện rất cao. Chính vì vậy, hiện nay mới có tình trạng các chủ đầu tư thủy điện “bỏ của chạy lấy người”, “khóc dở mếu dở”.
Dù vậy, nhiều dự án thủy điện nhỏ xâm hại rừng dường như vẫn đang cố đầu tư cho bằng được dù chịu nhiều sức ép phản đối từ dư luận và từ Ban quản lý các vườn quốc gia, thưa ông?
– Chúng ta vẫn phải lên tiếng phản đối để các cấp, các ngành và Chính phủ biết mà xử lý. Tôi nói thẳng, đừng đùa với các dự án thủy điện xâm hại rừng. Chỉ cần các dự án xâm hại rừng từ 100 ha đã buộc phải báo cáo lên Quốc hội, chứ các chủ đầu tư không thể cứ âm thầm “đi đêm” mà triển khai đầu tư. Các dự án thủy điện xâm hại rừng không hiệu quả dù cố mấy cũng sẽ không đầu tư được nữa.
Bao giờ người ta mới nhận ra rằng, thủy điện không mang lại quá nhiều lợi ích như ta tưởng trong khi người dân phải hy sinh quá nhiều và rừng thì bị tàn phá, thưa ông?
Bộ Công Thương hiện đã đề xuất loại bỏ 338 dự án thủy điện và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện. Chỉ có các dự án thủy điện lớn như Lai Châu, Điện Biên, Bản Chát… sẽ tiếp tục đầu tư từ nay đến năm 2017 để kết thúc đầu tư thủy điện. |
– Các dự án thủy điện lớn, có hiệu quả chúng ta đã đầu tư hết rồi, giờ nói hiệu quả lớn với các dự án thủy điện nhỏ, xâm hại rừng thì đúng chỉ còn là tưởng tượng mà thôi. Trên thực tế, việc xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ lại đang làm hư hại đường giao thông, tăng gánh nặng chi phí vận chuyển, sửa chữa; làm mất nguồn lợi thủy sản, rừng và giảm sản lượng nông nghiệp. Dù thủy điện vừa và nhỏ được xem là một phần của các nguồn năng lượng tái tạo, song với những hậu quả thực tế do loại hình này mang lại, cần dẹp bỏ bớt các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Chỉ các dự án hiệu quả thực sự mới được triển khai xây dựng.
Cũng theo quy hoạch điện 7, đến năm 2017 sẽ dừng tất cả các dự án thủy điện. Vậy theo ông, các dự án thủy điện nhỏ, xâm chiếm rừng như hiện nay có dẹp bỏ nổi không?
– Chính phủ cũng đã chỉ đạo rõ quan điểm, các dự án thủy điện không hiệu quả là dẹp luôn từ bây giờ. Giờ chúng ta phải tính đến hiệu quả khi đầu tư các dự án thủy điện chứ không phải đầu tư để… cho vui. Nếu không loại bỏ thì các địa phương cũng chẳng thu hút được ai đầu tư các dự án thủy điện kém hiệu quả như thế. Các chủ đầu tư cũng không kiếm đâu ra tiền một cách dễ dãi để mà đầu tư thủy điện nữa. Tôi cho rằng phong trào “người người làm thủy điện” đã đến hồi kết bởi chính thực tiễn khách quan của nó.
Xin cảm ơn ông!