ThienNhien.Net – Từ năm 2006 đến nay có hơn 50.000 ha đất rừng các loại được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng thủy điện nhưng chủ đầu tư trồng bù lại chỉ ngót nghét 1.000 ha.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Ủy ban Khoa học Công nghệ – Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương đang rà soát tình hình triển khai các dự án thủy điện trong cả nước.
Không có phương án trồng rừng thay thế
Cuối năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) từng báo cáo Thủ tướng về việc chuyển đổi rừng để thực hiện các dự án thủy điện giai đoạn 2006-2012. Theo đó, trong 6 năm, có hơn 20.000 rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã bị mất.
Tuy nhiên, theo rà soát mới đây của Bộ Công Thương, thực tế tỉ lệ diện tích rừng trồng bù còn thấp hơn rất nhiều. Từ khi thực hiện Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đến nay có đến 50.930 ha rừng các loại đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Trong khi đó, rất ít chủ đầu tư thủy điện có phương án trồng rừng thay thế. Hậu quả, diện tích rừng trồng thay thế chỉ được hơn 1.000 ha, bằng 2% diện tích rừng đã chuyển đổi.
Nguyên nhân là do hầu hết chủ đầu tư chưa bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng vốn đầu tư của dự án nên không thể thực hiện. Quá trình trồng bù rừng cũng còn nhiều bất cập. Tại Lào Cai, việc trồng thay thế toàn bộ 215,9 ha rừng đã chuyển đổi mục đích để xây dựng thủy điện được thực hiện bằng nguồn tiền bồi thường rừng của chủ đầu tư kết hợp với ngân sách bảo vệ và trồng rừng hằng năm của tỉnh, việc trồng rừng thay thế lại do các đơn vị lâm nghiệp địa phương thực hiện. Trong khi theo Nghị định 23, việc trồng rừng thay thế là trách nhiệm và thực hiện bằng kinh phí của chủ đầu tư dự án.
Theo Bộ Công Thương, những quy định về đơn giá, chi phí, cách thức tổ chức thực hiện… việc trồng rừng thay thế có sự khác nhau ở mỗi địa phương khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện, dẫn đến thiếu tính công bằng giữa các dự án. Để tháo gỡ những bất cập này, Bộ Công Thương kiến nghị cần sớm có các thông tư hướng dẫn việc trồng rừng thay thế và cụ thể hóa các quy định của Nghị định 23.
Tác động xấu, hàng loạt dự án bị loại
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có 1.239 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền.
Năm 2012, Bộ Công Thương đánh giá sự phù hợp về quy hoạch các dự án thủy điện. Trên cơ sở đó, tháng 1-2013, Thủ tướng đã đồng ý loại khỏi các quy hoạch đã được duyệt 117 dự án và không xem xét bổ sung vào quy hoạch 156 vị trí tiềm năng xây dựng thủy điện được sơ bộ xác định qua nghiên cứu quy hoạch. Tiếp đến, tháng 5- 2013, Thủ tướng đồng ý loại khỏi quy hoạch 288 dự án và không xem xét bổ sung 16 vị trí tiềm năng. Như vậy, tính đến nay có tất cả 405 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch và không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng xây dựng thủy điện nhỏ. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tất cả các dự án, vị trí tiềm năng vừa bị loại bỏ đều thuộc đối tượng có hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường – xã hội hoặc do nhà đầu tư trả lại dự án.
Cả nước hiện còn 834 dự án thủy điện. Trong đó, 268 dự án đã phát điện, 205 dự án đang thi công, 254 dự án đang nghiên cứu đầu tư để xem xét cho phép xây dựng trong thời gian tới, còn lại 107 dự án chưa có chủ trương đầu tư hoặc còn vướng mắc liên quan đến tác động môi trường- xã hội cần tiếp tục xem xét hoặc chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện.
Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, đưa 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch.
Thủy điện Đakrông 3 lại gặp sự cố Vỡ kênh thủy điện, nhấn chìm nhiều diện tích cây trồng Ngày 29-9, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã đến kiểm tra sự cố ở đập Thủy điện Đakrông 3, xã Tà Long, huyện Đakrông và chỉ đạo di dời dân sống ở dưới đập này. Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, do ảnh hưởng của mưa lớn vừa rồi, một phím tràn của thủy điện Đakrông 3 đã bị vỡ một bên với chiều cao khoảng 3 m, dài 7 m. Thế nhưng, chủ đầu tư thủy điện này vẫn để vậy và phát điện. Thủy điện Đakrông 3 có công suất 8 MW. Vào tháng 10-2012, đập thủy điện này cũng bị vỡ sau cơn bão số 7 nhưng đã kịp thời khắc phục. * Khoảng 11 giờ cùng ngày, kênh dẫn dòng Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bị vỡ một đoạn khoảng 10 m khiến nhiều diện tích cây trồng của người dân ở khu vực này bị hư hỏng nặng. Ngay sau xảy ra sự cố, chủ đầu tư là Công ty CP Điện Buôn Đôn đã điều 2 máy múc, 1 xe ben tới hiện trường khắc phục. Chị H Wer Hra, ngụ ở thôn 1, xã Ea Huar, cho biết: “Chiều 28-9, khi đi qua khu vực kênh, tôi thấy nước rò rỉ mạnh nên báo với nhân viên thủy điện nhưng họ nói không sao. Đến khoảng 11 giờ ngày 29-9, một đoạn kênh dài khoảng 10 m bất ngờ bị đổ sụp. Chỉ trong giây lát, 8 sào sắn, 3 sào đậu và 6 sào lúa của gia đình tôi bị ngập và hư hỏng nặng”. Cạnh đó, nhiều hộ khác cũng bị thiệt hại tương tự. Q.Nhật-C. Nguyên |