ThienNhien.Net – Sông Cầu cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng triệu người ở các tỉnh hạ lưu như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên, thượng nguồn sông Cầu tại tỉnh Bắc Cạn đang cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng mà chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
Sông Cầu đang… biến mất
Những khe nước ở dãy núi Tam Tao thuộc xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) chảy xuống, hợp lại tại thôn Tổng Chiêu, từ đây được coi là đầu nguồn sông Cầu.
Ông Hà Văn Tồn, thôn Tổng Chiêu, xã Phương Viên năm nay đã ngoài 70 tuổi nhớ lại: “Từ hơn mười tuổi tôi thường hay bơi lội trên thượng nguồn sông Cầu nhưng bây giờ đoạn sông này đã “biến” thành suối vì cạn kiệt”. Chứng minh điều đó, ông Tồn bước lên những tảng đá lớn phơi mình trong nắng, bảo: Những năm 1970-1980, những tảng đá này nằm sâu dưới dòng nước, muốn qua sông phải bơi, người dân trong xã thường dùng bè mảng chở hàng hoá xuôi thị xã Bắc Cạn chứ nước không nông đến mắt cá chân như bây giờ.
Chỉ mấy năm trước, tại thôn Tổng Chiêu và Khuổi Đải có 20 điểm sinh thủy (phát sinh nước), đến nay chỉ còn 11 điểm nhưng lượng nước cũng rất ít là hậu quả của việc phá rừng trên dãy Tam Tao những năm vừa qua.
Chảy trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn dài 105 km, là thượng nguồn sông Cầu. Tuy nhiên, sông Cầu đoạn chảy đến thị xã Bắc Cạn đã cạn kiệt đến mức đáng báo động. Chỉ cách đây gần mười năm, kè bên sông cao gần một mét ngập nước nhưng đến nay cạn trơ đáy kè. Đặc biệt, vào mùa đông nước kiệt, lòng sông cạn trơ đáy, qua sông không ướt chân. Trụ sở Trung tâm Khí tượng – Thuỷ văn Bắc Cạn nằm ngay bên bờ sông Cầu, các cán bộ ở đây trăn trở: Lượng nước sông Cầu suy giảm trông thấy sau mỗi năm. Đây là hậu quả của phá rừng, biến đổi khí hậu. Cứ đà này chỉ chưa đến mười năm nữa sông Cầu qua thị xã Bắc Cạn sẽ… “biến mất” vì không có nước chảy.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Bắc Cạn Nguyễn Thị Thỏa cho biết: Những năm trước đây chúng tôi hút nước mặt từ sông Cầu lên xử lý làm nước sinh hoạt cho nhân dân thị xã. Ba năm nay phải đầu tư hệ thông hút nước ngầm, vì nước mặt cạn kiệt và ô nhiễm.
Lượng nước sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn không những cạn kiệt mà chất lượng đang suy giảm. Nước sinh hoạt từ hàng vạn hộ dân thị xã Bắc Cạn không qua xử lý đều đổ ra sông Cầu, nước thải từ các bệnh viện trong lưu vực sông trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý triệt để hoặc chưa có công trình xử lý cũng đổ xuống sông Cầu. Trên địa bàn tỉnh này cũng chưa có nhà máy xử lý rác thải, lượng rác thải của cư dân hai bên sông đều “tương” hết xuống dòng sông Cầu; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều, không đúng cách, lượng tồn dư đều theo nước chảy xuống sông Cầu.
Ông Đặng Văn Oanh, thôn Nà Cà 1, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới mưu sinh bằng nghề chài, lưới trên sông Cầu than phiền: Mấy năm nay tôm, cá trên sông “biến” đi đâu hết cả.
Chưa quan tâm bảo vệ sông Cầu
Sông Cầu cạn kiệt, ô nhiễm đều do con người gây ra. Tỉnh lộ 257 từ thị xã Bắc Cạn vào huyện Chợ Đồn chạy dọc sông Cầu vốn nhỏ, hẹp. Khi thi công nâng cấp, mở rộng, lượng đất đá khổng lồ được đào từ ta luy dương để mở rộng đường, để giảm chi phí, các nhà thầu đổ hầu hết lượng đất đá xuống sông Cầu làm lòng sông bị thu hẹp, nước ngàu đỏ. Sự việc này làm dư luận bức xúc, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn lại thờ ơ.
Mùa mưa năm 2013, lượng bùn đất rất lớn sạt lở trên núi xuống các tuyến đường 257, quốc lộ 3, hầu hết đều được san gạt xuống ngay sông Cầu. Lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, diện tích rừng ngày càng suy giảm, trở thành nơi dung nạp một lượng “khổng lồ” rác thải, nước thải độc hại, mất vệ sinh thì sao không cạn kiệt và ô nhiễm.
Theo đánh giá của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, có bốn vấn đề bức xúc trực tiếp làm ô nhiễm nước sông Cầu tại Bắc Cạn, đó là: chưa xây dựng được khu xử lý nước thải sinh hoạt thị xã Bắc Cạn; chưa có nhà máy xử lý rác thải; ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản và ý thức bảo vệ nguồn nước của doanh nghiệp, nhân dân chưa có chuyển biến. Đây là những tồn tại từ nhiều năm qua chưa được giải quyết.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Cạn cho biết: Bên sông Cầu có hai kho thuốc bảo vệ thực vật trước đây nhưng đến nay tỉnh chưa có kinh phí xử lý.
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu”, đến nay kiểm lại, tỉnh Bắc Cạn chưa làm được bao nhiêu, Nhà nước đầu tư tiền để xử lý bốn cơ sở gây ô nhiễm nhưng cũng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Nếu không khẩn trương trồng, bảo vệ rừng phòng hộ; không kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm phát sinh ngày càng nhiều và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân thì không những Bắc Cạn mà các tỉnh phía hạ lưu sẽ phải hứng chịu hậu quả do cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước sông Cầu.