ThienNhien.Net – Trưa nay (30/9), bão số 10 đã đến rất gần bờ biển tỉnh Quảng Bình. Xã biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) đang hứng chịu những trận sóng cực lớn, cao đến gần 20 mét (ảnh). Trên một số tuyến phố ở TP Đồng Hới, đã có nhiều cây xanh gãy đổ.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn đã huy động 20 ca nô cùng hàng trăm cán bộ chiến sỹ sẵn sàng tham gia ứng cứu. Bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí 300 cán bộ chiến sỹ, cùng 35 phương tiện ca nô, xe thường trực, sẵn sàng cơ động ứng phó với bão số 10. Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố cùng lực lượng Cảnh sát giao thông huy động 15 ca nô và 150 cán bộ chiến sỹ trực chiến tại các điểm xung yếu.
Mạnh nhất từ 2006 đến nay
Lúc 10 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây-Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Như vậy khoảng chiều nay, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 – 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 – 13, giật cấp 15 – 16. Biển động dữ dội. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6 – 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 – 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.
Trước tình hình trên, sáng 30-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10 tại các địa bàn xung yếu ven biển Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị.
Sau khi kiểm tra các địa bàn xung yếu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chủ động của các địa phương, đặc biệt địa bàn xung yếu sạt lở tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà đã hoàn thành việc di dời dân trước 8 giờ 30 sáng nay. Kế hoạch bảo vệ, ứng phó sạt lở, xâm thực bờ biển cũng được thị xã Hương Trà và xã Hải Dương chủ động nhân lực và vật lực.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, đây là cơ bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung tính từ năm 2006 đến nay. Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, trong đó đối với các địa phương ven biển, đầm phá phải quản lý tốt tuyệt đối không để người dân quay lại tàu, lồng bè, nhà ở đã di dời khi thời tiết đang nguy hiểm. Chủ động phòng tránh lũ lụt, nhất là lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi. Phó Thủ tướng yêu cầu phải theo dõi diễn biến lượng mưa, nếu trên 400mm phải tính đến phương án đối phó với lũ lớn có thể xảy ra; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa nước, đập thủy điện và giải pháp điều tiết, xả lũ an toàn cho vùng hạ du và an toàn đập.
Sáng cùng ngày, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu tiếp tục tới Quảng Trị. Số hộ dân vùng ven biển đã và đang sơ tán tránh bão số 10 là 20.502 hộ, với 82.107 người. Hiện công tác đối phó với cơn báo số 10 tại Quảng Trị cơ bản hoàn thành. 100% tàu thuyền đã được neo đậu an toàn.
Trung tâm Phòng chống Lụt bão miền Trung – Tây nguyên cho biết, các tỉnh ảnh hưởng trực tiếp của bão trong khu vực là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP Đà Nẵng
Chống chọi trước bão
* Ghi nhận của các PV Báo SGGP Online cho thấy, đến 9 giờ sáng nay, vùng biển Thừa Thiên-Huế đã có gió mạnh cấp 9 và giật trên cấp 10; tỉnh đã hoàn thành việc di dời 3.376 hộ/10.758 nhân khẩu tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn để trú tránh bão. Đồng thời, đã kêu gọi 1.833 tàu cá vào bờ neo đậu tại các khu tránh, trú bão. Hôm nay, 100% học sinh tỉnh này được nghỉ học để tránh bão.
* Trong khi đó, người dân các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) khẩn trương mua vật liệu về để chèn chống nhà cửa, sẵn sàng đón bão.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão thành phố Đà Nẵng, cho biết: Đã yêu cầu lực lượng chức năng sắp xếp, kéo tàu thuyền lên bờ. Đối với tàu thuyền các tỉnh miền Trung đang neo đậu ở Đà Nẵng thì di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang để trú bão. Tại thành phố Đà Nẵng sáng nay, toàn bộ học sinh đã tạm nghỉ học.
* Đến 10 giờ 30 phút sáng, tại vùng ven biển Hà Tĩnh, gió bắt đầu thổi mạnh, sóng biển đánh dồn dập, triều cường dâng cao. Công tác di dời, sơ tán dân đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo khẩn cấp, quyết liệt.
Tại huyện ven biển Nghi Xuân, 1.122 hộ dân với 4.023 nhân khẩu được tổ chức di dời ra khỏi vùng nguy hiểm và vùng có nguy cơ sạt lở cao trước 6 giờ sáng 30-9. Tại huyện Lộc Hà, địa phương cũng đang tổ chức di dời 1.694 hộ dân, với 6.483 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đặc biệt, đoạn đê Hội Thống (từ K9+600-K10+800 với chiều dài 800m) và gần 2km tuyến đê biển ở huyện Lộc Hà đang đối mặt với nguy cơ bị sạt lở và sập khi bão số 10 đổ bộ vào.
Trong khi đó, tại huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, hơn 10.000 hộ dân cũng đã nhận được lệnh sơ tán di chuyển đến trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban xã… để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các loại nhu yếu phẩm như mì tôm, nước uống, gạo, xăng dầu… cũng đã được người dân chủ động chuẩn bị đầy đủ trước lúc bão đổ bộ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, gần 4.000 tàu thuyền với hơn 14.000 thuyền viên ở Hà Tĩnh hiện đều nhận được thông tin về cơn bão số 10 và đã chủ động tìm nơi trú ẩn, tổ chức chằng néo an toàn.
Riêng tại các vùng hạ du hồ Bộc Nguyên, Kẻ Gỗ, Kim Sơn, thủy điện Hố Hô, thủy điện Hương Sơn… đã có phương án sơ tán dân.