ThienNhien.Net – Sự phụ thuộc quá nhiều vào dầu thô không chỉ có thể là một “lời nguyền” đối với sự phát triển của đất nước nói chung, mà thực tế chúng ta còn có thể chỉ ra mối tương quan giữa sự tăng hay giảm giá dầu với sự đi lên hay đi xuống của tiến trình dân chủ ở các quốc gia dầu mỏ.
Tổng thống Iran phủ nhận việc Đức Quốc Xã diệt chủng người Do Thái, Hugo Chávez cho rằng các nhà lãnh đạo phương Tây nên xuống địa ngục, còn Vladimir Putin thì đang chủ động lấn lướt. Nguyên nhân từ đâu? Họ hiểu rằng giá dầu và tiến trình tự do luôn chuyển động ngược chiều nhau. Đó là định luật đầu tiên của chính trị dầu mỏ, và nó có thể là tiền đề cho những lý giải về một số đặc điểm trong thời đại của chúng ta.
Trong tương lai gần, việc tăng giá dầu thô chắc chắn là một nhân tố quan trọng hình thành nên các mối quan hệ quốc tế, cho nên chúng ta phải cố gắng thấu hiểu được bất kì sự liên hệ nào có thể có giữa giá dầu với đặc điểm và xu hướng của nền chính trị toàn cầu. Những đồ thị được tập hợp ở đây gợi ra mối liên hệ trực tiếp giữa giá dầu và mức độ tự do – trên thực tế, điều đó rõ ràng đến nỗi cần bắt đầu cuộc thảo luận bằng việc đưa ra Định luật Thứ nhất của Chính trị dầu mỏ.
Định luật này cho rằng: Giá dầu luôn tỷ lệ nghịch với tiến trình tự do ở những quốc gia nhiều dầu mỏ. Theo Định luật Thứ nhất của Chính trị dầu mỏ, khi giá dầu thô trung bình của thế giới càng lên cao thì quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, các cuộc bầu cử tự do và công bằng, bộ máy tư pháp độc lập, nền pháp trị, và các đảng chính trị độc lập càng bị mất dần. Và những xu hướng tiêu cực này đang được củng cố bởi một thực tế rằng khi giá dầu càng lên cao thì các nhà lãnh đạo ở các quốc gia dầu mỏ lại càng ít nhạy cảm với những gì thế giới nghĩ hay nói về họ.
Ngược lại, cũng theo định luật này, khi giá dầu càng hạ thấp thì các quốc gia dầu mỏ càng buộc phải hướng đến một hệ thống chính trị và xã hội trong sạch hơn, nhạy cảm hơn với những tiếng nói đối lập, cũng như tập trung hơn vào xây dựng các cấu trúc luật pháp và giáo dục giúp tối ưu hóa năng lực người dân của cả nam giới và nữ giới, nhằm cạnh tranh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Khi giá dầu thô càng đi xuống, các nhà lãnh đạo ở các quốc gia dầu mỏ càng chú ý hơn đến những điều mà các lực lượng bên ngoài nghĩ về họ.
Định nghĩa các quốc gia dầu mỏ ở đây là những quốc gia vừa phụ thuộc vào dầu mỏ như là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng như đóng góp nhiều nhất vào tổng sản phẩm quốc nội, vừa tồn tại những thể chế nhà nước yếu kém hoặc chính quyền lãnh đạo độc đoán. Các quốc gia có nguồn dầu thô dồi dào nhưng đã tồn tại vững chắc từ lâu với các thể chế dân chủ bền vững và nền kinh tế đa dạng trước khi nguồn dầu của họ được phát hiện, ví dụ như Anh, Na Uy, Mỹ, thì không chịu tác động của Định luật Thứ nhất của Chính trị dầu mỏ.
Một điều chắc chắn là các chuyên gia kinh tế từ lâu đã chỉ ra một cách khái quát những tác động tiêu cực về kinh tế và chính trị mà sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên có thể ảnh hưởng đến một quốc gia. Hiện tượng này đã được gọi theo nhiều tên khác nhau là “căn bệnh Hà Lan” (Dutch Disease) hay “lời nguyền tài nguyên” (resource curse).
“Căn bệnh Hà Lan” là thuật ngữ để chỉ quá trình phi công nghiệp hóa, kết quả của những khoản thu nhập to lớn bất thình lình từ tài nguyên thiên nhiên. Thuật ngữ ra đời tại Hà Lan vào những năm 1960, sau khi người ta phát hiện được những mỏ khí tự nhiên với trữ lượng rất lớn ở quốc gia này.
Hiện tượng xảy ra ở các nước mắc phải “căn bệnh Hà Lan” nói một cách ngắn gọn là việc đồng nội tệ ở những nước này tăng giá vì nguồn thu ngoại tệ đột ngột chảy vào nhờ xuất khẩu dầu mỏ, vàng, khí đốt, kim cương hay các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Kết quả là những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu không còn khả năng cạnh tranh, trong khi hàng nhập khẩu thì giảm giá còn rất rẻ. Người dân khi đã rủng rỉnh tiền trong túi bắt đầu đổ xô mua hàng nhập khẩu, khiến ngành công nghiệp trong nước trở nên chết yểu, và quá trình phi công nghiệp hóa xảy ra.
Thuật ngữ “lời nguyền tài nguyên” nói về hiện tượng kinh tế tương tự, cũng như rộng hơn là cách thức mà sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên phá hỏng nền chính trị và các ưu tiên về đầu tư và giáo dục của một đất nước. Khi đó tất cả sẽ xoay quanh việc ai kiểm soát “van dầu” và ai được chia bao nhiêu phần của cái bánh, chứ không phải là làm thế nào để cạnh tranh, cải tiến và sản xuất ra sản phẩm thực cho thị trường thực.
Bên cạnh những lý thuyết tổng quát này, một số nhà chính trị học cũng đã tìm hiểu cách thức mà trữ lượng dầu mỏ dồi dào có thể làm đảo ngược hay xói mòn các xu hướng dân chủ hoá. Một trong những phân tích rõ ràng nhất về vấn đề này mà tôi được tiếp cận là nghiên cứu của nhà khoa học chính trị Michael L. Ross tại trường Đại học California (Los Angeles).
Sử dụng phân tích thống kê từ 113 quốc gia trong giai đoạn từ 1971 đến 1997, Ross đã rút ra kết luận rằng “sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ hay các khoáng sản khác có xu hướng khiến cho một quốc gia trở nên ít dân chủ hơn, trong khi việc xuất khẩu các sản phẩm cơ bản khác lại không gây ra hệ quả như thế; hiện tượng này hoàn toàn không chỉ giới hạn ở bán đảo Ả Rập, khu vực Trung Đông, hay vùng phía Nam sa mạc Sahara, và cũng không chỉ xảy ra ở các quốc gia nhỏ (mà còn ở cả các nước lớn)”.
Điều đặc biệt hữu ích trong phân tích của Ross là danh sách các cơ chế rõ ràng mà theo đó nguồn thu nhập khổng lồ từ dầu mỏ đã làm hạn chế nền dân chủ. Đầu tiên, Ross lập luận rằng tồn tại một “hiệu ứng thuế”. Chính phủ của các nước nhiều dầu mỏ thường sử dụng những khoản thu nhập của mình vào việc “làm giảm các sức ép xã hội, vốn có thể dẫn tới những đòi hỏi lớn hơn về trách nhiệm giải trình” từ chính quyền, hoặc phải đưa đại diện của người dân vào các cơ quan quyền lực.
Thomas L.Friedman trình bày luận điểm ấy như sau: Khẩu hiệu của cuộc Cách mạng Mỹ là “không đóng thuế nếu không có đại diện” (no taxation without representation) [1].Những nhà cầm quyền độc tài của các quốc gia dầu mỏ lại biến khẩu hiệu này thành “không phải đóng thuế thì không có đại diện” (no presentation without taxation). Để tồn tại, các chế độ dựa vào dầu mỏ không cần bắt người dân đóng thuế, bởi vì họ chỉ cần lấy thu nhập từ dầu mỏ để bù vào khoản thiếu hụt này, và theo đó họ cũng không cần lắng nghe ý kiến nhân dân hay đại diện cho mong muốn của nhân dân.
Ross gọi cơ chế tác động thứ hai của dầu mỏ khiến việc dân chủ hóa bị hạn chế là “hiệu ứng chi tiêu”. Nguồn thu nhập từ dầu mỏ giúp chính phủ tăng các khoản chi tiêu tạo thành mạng lưới quan hệ bảo trợ, và nhờ đó giảm được áp lực dân chủ hoá. Cơ chế tác động thứ ba mà ông chỉ ra được gọi là “hiệu ứng nhóm xã hội”. Khi lợi nhuận từ dầu mỏ mang đến cho nhà nước độc tài nguồn thu rủng rỉnh, chính quyền có thể dùng lượng của cải vừa thu được đó để ngăn chặn sự hình thành các tổ chức xã hội độc lập – các nhóm hoạt động thường đòi hỏi quyền lợi chính trị tích cực nhất.
Ngoài ra, Ross còn khẳng định rằng các khoản thu vượt trội từ dầu mỏ có thể tạo ra “hiệu ứng đàn áp”, bởi vì chúng cho phép chính quyền có thể thoải mái cung cấp tiền cho lực lượng cảnh sát, an ninh trong nước và cơ quan tình báo nhằm đàn áp các phong trào dân chủ. Cuối cùng, Ross nhắc đến một tác động nữa gọi là “hiệu ứng hiện đại hoá”. Nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ có thể làm giảm bớt áp lực xã hội về chuyên môn hóa nghề nghiệp, đô thị hoá, và nâng cao trình độ học vấn – các xu hướng thường đi cùng với phát triển kinh tế, đồng thời tạo ra một cộng đồng người dân gắn kết, có khả năng tổ chức, thương lượng và giao tiếp tốt hơn, cũng như có thể tạo ra những trung tâm quyền lực kinh tế riêng độc lập với chính quyền.
Định luật Thứ nhất của Chính trị dầu mỏ cố gắng hình thành dựa trên những luận điểm như thế, nhưng đồng thời cũng nhằm nâng mối tương quan giữa dầu mỏ với chính trị lên một bước cao hơn. Điều lập luận ở đây là sự phụ thuộc quá nhiều vào dầu thô không chỉ có thể là một “lời nguyền” đối với sự phát triển của đất nước nói chung, mà thực tế chúng ta còn có thể chỉ ra mối tương quan giữa sự tăng hay giảm giá dầu với sự đi lên hay đi xuống của tiến trình dân chủ ở các quốc gia dầu mỏ. Mối liên hệ này là một thực tế. Như các đồ thị đã cho thấy, tiến trình tự do lập tức bị giảm xuống khi giá dầu thực sự bắt đầu tăng.
Kì 2: Trục dầu mỏ?
Biên dịch: Trần Nguyễn Hồng Ngọc; Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Thomas L. Friedman (2006). “The First Law of Petropolitics”, Foreign Policy, No.154 (May/June), pp 28-36.
Tài liệu được đăng lại từ website nghiencuuquocte.net