6 nhóm giải pháp phát triển kinh tế biển

ThienNhien.Net – Việt Nam là một trong những nước có lợi thế về biển, có vị trí địa lý thuận lợi nằm trên đường hàng hải quốc tế, có cảng biển sâu, có điều kiện để phát triển hàng hải, hàng không, du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản…

Với chiều dài bờ biển 3.260km, 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng với hơn 3.000 hòn đảo. Cả nước có 28 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo) với tổng diện tích 208.560km2 chiếm 41% diện tích cả nước và 41, 2 triệu dân chiếm gần một nửa dân số Việt Nam.

Ảnh minh họa: Báo Bình Định
Ảnh minh họa: Báo Bình Định

Ngành kinh tế biển khởi sắc nhưng chưa mạnh

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế của biển đảo và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh và môi trường biển, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành TW Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP; 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đáng kể đời sống cho nhân dân vùng biển và ven biển.

Để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, từ năm 2008 Chính phủ đã ban hành và phê duyệt nhiều nghị quyết và quyết định: một số giải pháp cấp bách trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển; đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quản lý bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo; quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020; … và gần đây, ngày 6/9/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Từ khi có nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, … từ trung ương đến các địa phương đã xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động cho từng lĩnh vực và ở trên địa bàn của mình bước đầu triển khai có những kết quả đáng khích lệ.

Các đảo lớn như: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Vân Đồn, … đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, mạng lưới điện, thông tin liên lạc, cung cấp nước ngọt, trường học, bệnh xá, bố trí lại dân cư, tham gia vào phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch, công nghiệp dầu khí có bước phát triển nhanh; bảo vệ môi trường biển đảo bước đầu được chú ý, đã có 16 khu bảo tồn biển và các vườn quốc gia ven biển và hải đảo… được thiết lập; đồng thời đảm bảo tốt công tác quốc phòng an ninh, hình thành hệ thống các khu công nghiệp, các cảng biển, cảng cá, khu du lịch từ Quảng Ninh cho đến Cà Mau…

Tính đến nay cả nước đã có 9 cảng biển và 15 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước lên đến 662.249 ha, thu hút khoảng 700 dự án do nước ngoài và trong nước đầu tư, với tổng số vốn gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng. Số dân cư sống ở các vùng ven biển tăng lên rất nhanh, bao gồm hàng triệu người làm nghề vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, chế biến thủy sản, dầu khí, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Nhiều thị trấn, thị tứ, khu nghỉ dưỡng đã hình thành dọc theo chiều dài ven biển của đất nước.

Tuy nhiên những kết quả trên mới chỉ là bước đầu, Chiến lược phát triển kinh tế biển chưa được quán triệt trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nông ngư dân. Việc phát triển kinh tế biển trong thời gian qua chưa quan tâm đầy đủ đến đào tạo nhân lực, chưa lồng ghép các chương trình phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Nhiều địa phương, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, cư dân ven biển còn thờ ơ với tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế biển bền vững, chưa nhận thức đầy đủ: ngành kinh tế biển là ngành đầu tiên chịu sự thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Để kinh tế biển phát triển bền vững

Để phát triển kinh tế biển bền vững, chúng tôi cho rằng cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, xem đây là ba mặt của một vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết lần thứ 4 (khóa X) và các quyết định của Chính phủ về phát triển kinh tế biển từ năm 2008 đến nay.

Hai là, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương và vùng lãnh thổ, có sự quản lý, tập trung của trung ương, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu. Bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành theo nội dung mới gắn phát triển kinh tế biển với phòng ngừa thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo trên tất cả các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng tuyến đảo, hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, các ngành dầu khí, đóng tàu, giao thông, du lịch, khai thác nuôi trồng thủy hải sản, … đồng thời thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hóa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, xây dựng các thương hiệu biển quốc gia, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển…

Ba là, khẩn trương xây dựng chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xác định và tiếp cận cho từng lĩnh vực như: Vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, … có sự tham gia của đại diện các cơ quan ở địa phương, các chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức quần chúng, các hộ gia đình, lập bản đồ về các mối hiểm nguy, kế hoạch lưu giữ nước ngọt, áp dụng cách tiếp cận vùng để quản lý tài nguyên thiên nhiên ven biển dựa trên cộng đồng. Huy động cộng đồng tham gia vào việc kiên cố hóa đê điều, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tạo hành lang bảo vệ đê biển, ngăn ngừa nước biển dâng và nước mặn lấn sâu vào đồng ruộng. Tổ chức các tổ đoàn kết, hợp tác xã vận tải trên biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, … để có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất ứng phó với bão tố, sóng thần…

Bốn là, tăng cường đầu tư xây dựng mới và củng cố hệ thống đê biển vững chắc, kiện toàn hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và dự báo thời tiết, phát triển hệ thống rừng và rừng ngập mặn, trước mắt triển khai sớm hệ thống đê biển ở vùng thấp và vùng ngập nước. Ưu tiên giải quyết di dời cơ sở hạ tầng, dân cư ở những vùng có nguy cơ ngập nước, bổ sung lực lượng lao động có chất lượng cho huyện đảo và quần đảo.

Năm là, khẩn trương triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực: tuyển chọn, lai tạo giống cây lương thực, cây công nghiệp, giống nuôi thủy, hải sản, … Đổi mới cơ cấu nghề nghiệp, phát triển các nghề mới thích ứng với các vùng mặn hóa, hạn hán, ngập nước; áp dụng công nghệ mới hiện đại vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí, băng cháy, đóng tàu và chế biến các sản phẩm của biển,… Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu hút các nguồn vốn ODA, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các nước…

Sáu là, gấp rút đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu quản lý các ngành kinh tế biển và cộng đồng cư dân ven biển không những có trình độ chuyên môn mà còn có kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%. Đồng thời đề nghị Chính phủ giao cho các ngành chức năng đưa nội dung giáo dục về kinh tế biển, biến đổi khí hậu, bảo vệ chủ quyền biển đảo và chương trình giảng dạy ở các cấp học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc hệ chính quy về không chính quy.

Trong tương lai gần, ngành kinh tế biển sẽ giữ vai trò chủ yếu để đảm bảo cho nhu cầu đời sống của nhân dân, đảm bảo cho dân tộc ta giàu mạnh và phát triển.

TS. Hồ Văn Hoành, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài VN