ThienNhien.Net – Những bất cập trong quy hoạch phát triển thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ là nội dung được các đại biểu tập trung phân tích.
Chiều 28/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 6, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển thủy điện.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu thống nhất nhận định: Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch phát triển thủy điện đã được thực hiện tương đối tốt.
Theo thống kê, năm 2012, các nhà máy thủy điện đóng góp tới gần 50% công suất và 44% sản lượng điện trong hệ thống điện.
Các hồ chứa thủy điện với dung tích hàng tỉ mét khối đã đóng vai trò quan trọng trong chủ động bổ sung lưu lượng, cấp nước về mùa khô và cắt lũ vào mùa mưa, phục vụ nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt.
Tuy nhiên, nhiều bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện cũng được các đại biểu thẳng thẳn phân tích, làm rõ, nhất là về chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ, thẩm định dự án, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời, tái định cư…
Đưa ra dẫn chứng, trên sông Sêrêpôk hiện có tới 11 dự án thủy điện lớn, sông Sêsan có 6 dự án lớn và hiện còn nhiều dự án khác đang tiếp tục triển khai, các đại biểu cho rằng: Quy hoạch các dự án thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ với mật độ ngày càng dày đặc như vậy ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học, giảm độ phì nhiêu vùng hạ du, gây xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến giao thông thủy nội địa và an toàn hạ du khi có sự cố.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang, đoàn thành phố Hồ Chí Minh phân tích: “Chúng ta có tất cả 1239 dự án thủy điện, tuy nhiên số dự án thủy điện nhỏ và siêu nhỏ còn rất nhiều. Có đến 1109 dự án mà tổng công suất của các dự án thủy điện nhỏ này chỉ chiếm 26% tổng công suất lắp máy của thủy điện cả nước. Hiệu quả của các dự án thủy điện nhỏ này rất thấp, chỉ có tác dụng về phát điện mà thôi còn về các mục tiêu khác, đa mục tiêu thì không đạt được. Tôi nghĩ rằng chúng ta quy hoạch quá nhiều thủy điện nhỏ như thế này cũng cần xem xét lại”.
Từ thực tiễn phát triển thủy điện hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng: Việc giám sát, thiết kế thi công xây dựng ở một số dự án thủy điện vừa và nhỏ cũng chưa tuân thủ đúng quy định.
Quy trình vận hành liên hồ chứa của nhiều công trình thủy điện nhỏ chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Có không ít công trình, chủ đầu tư chỉ quan tâm sản xuất điện mà chưa chú trọng đến điều tiết, cấp nước và tham gia chống lũ, chống hạn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đại biểu Bùi Thị An nêu ý kiến: “Quy hoạch thủy điện giai đoạn vừa qua rất tùy tiện, không có tổ chức, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là nhân dân miền Trung”.
Theo đó bà An cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về người phê duyệt quy hoạch và chủ đầu tư .
“Tôi nghĩ tới đây phải làm rõ trách nhiệm đó và có xử lý rất nghiêm”, bà An nhấn mạnh.
Cũng trong chiều nay, các thành viên Ủy ban đã nghe đại diện Bộ Công thương báo cáo về tình hình thực hiện dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu và Điện hạt nhân Ninh Thuận.