ThienNhien.Net – Liệu dân số Trái đất quá đông đúc có phải là một vấn đề đối với bảo tồn thiên nhiên không? Bài viết dưới đây của nhà bảo tồn Peter Kareiva thuộc Tổ chức The Nature Conservancy (Mỹ) sẽ mang tới cho bạn đọc một góc nhìn mới, một câu trả lời riêng theo quan điểm của tác giả.
Trước khi bạn đọc tiếp, xin hãy trả lời câu hỏi: Liệu có phải hành tinh chúng ta quá đông đúc?
Bạn trả lời xong chưa? Giờ xin mời bạn đọc tiếp!
Tôi đoán là rất nhiều bạn sẽ trả lời là “Đúng vậy!”. Hiện nay chúng ta đang có 7 tỷ người trên Trái đất. Vậy hãy suy nghĩ xem liệu 5 tỷ người thì có nhiều quá không? Hay 1 tỷ là nhiều quá? 1 triệu thì có đông đúc quá không? Bạn nghĩ sao? Tôi ngờ rằng chẳng có khoa học thực sự nào có thể kết luận điều này. Trong một cuộc họp của Hội Sinh học Bảo tồn, khi một người nói rằng hành tinh của chúng ta quá đông đúc thì tất cả các đồng nghiệp đều gật đầu đồng tình. Bình luận này, cùng với sự chắc chắn về tính chân lý của nó của cả nhóm đã hé lộ một cách nhìn về bảo tồn.
Đây là điều mà tôi cá rằng sẽ xảy đến khi câu hỏi này được đặt ra và tôi muốn nói trước rằng bản thân tôi cũng suy nghĩ theo cách này. Tôi không thích những quãng đường dài dằng dặc và ùn tắc giao thông, tôi không thích chen chúc trên đường, tôi cũng chẳng thích thú việc phải lái xe tới 60 phút để đến được với thiên nhiên hoang dã…
Nói cách khác, tôi không thích hiệu ứng của việc “có quá nhiều người” khi tôi thụ hưởng niềm vui và hạnh phúc của riêng mình. Rất hiếm khi chúng ta thừa nhận rằng đây là điều cốt lõi của những lo lắng về dân số của loài người. Thay vì thế chúng ta thường che đậy chúng dưới các thuật ngữ như “sự vượt quá khả năng của Trái đất” hay “gây ra sự tuyệt chủng loài”.
“Câu thần chú” phổ biến thường được chúng ta viện dẫn là con người đã sử dụng tương đương với 1,5 Trái đất, vậy làm sao có thể sinh sôi thêm người nữa. Tuy nhiên, điệp khúc đó dựa trên sự tính toán về dấu chân sinh thái vốn rất thiếu sót và bị phê phán rộng rãi. Cách đơn giản nhất để thấy sự sai lầm của phép tính dấu chân sinh thái là giả thuyết rằng chỉ cần trồng bạch đàn trên một nửa diện tích nước Mỹ, chúng ta có thể thay đổi toàn bộ dấu chân của nhân loại từ 1,5 Trái đất xuống chỉ còn 1 Trái đất.
Một “câu thần chú” khác quy kết rằng sự bùng nổ của dân số loài người đang gây ra một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, thật đáng buồn, con người đang gây ra tuyệt chủng, song tôi không bị thuyết phục rằng thực chất đó là vấn đề về “số lượng người”. Cuộc tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất với nhóm các động vật lớn đã xảy ra trong quá khứ khi mà dân số loài người chưa đạt tới con số 1 tỷ người. Vào thời kỳ ấy, thế giới đã mất voi ma mút, lười khổng lồ, hổ răng kiếm, sói lớn, hải ly khổng lồ và nhiều loài động vật tuyệt vời khác. Không cần tới 7 tỷ người để gây ra điều này. Trên thực tế, cuộc tuyệt chủng này đã xảy ra khi mật độ dân số còn vô cùng thấp.
Vậy thì từ khi nào chúng ta đã dễ dàng đến thế khi chộp ngay tới kết luận rằng hành tinh chúng ta quá đông đúc? Cần đề xuất giải pháp gì? Ai nên bị trừ khử? Ai không được phép có con? Ai được quyền quyết định? Liệu có đúng là hành tinh của chúng ta quá đông đúc không? Hay đó chỉ là câu chuyện về hình thức định cư và nền kinh tế mà chúng ta đã xây dựng?
Cuối cùng, toàn bộ ý niệm rằng hành tinh quá đông đúc đã bỏ qua những nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng đông đảo dân số, đặc biệt là người dân ở các thành phố, là động lực cho sự đổi mới và tiến bộ về văn hóa. Ví dụ, sáng chế và phát minh mới chủ yếu đến từ các thành phố và thành phố càng lớn thì càng có nhiều sáng chế và phát minh mới được sản sinh.
Với tất cả những lập luận này, tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ hành tinh chúng ta quá đông đúc thật. Nhưng tôi cũng có đôi chút xấu hổ vì suy nghĩ đó – tôi biết không có sự lý giải rõ ràng nào đằng sau suy nghĩ đó và rằng ở phạm vi nào đó, điều này phản ánh một thực tế là đôi khi tôi muốn lánh xa mọi người.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là, câu hỏi liệu hành tinh chúng ta có đông đúc quá không là một câu hỏi sai lầm đối với các nhà bảo tồn. Câu hỏi đúng phải là: Chúng ta muốn toàn bộ người dân trên trái đất này chia sẻ chất lượng cuộc sống ra sao? Và làm thế nào để đạt được chất lượng cuộc sống ấy trong khi vẫn bảo tồn được muôn loài và hệ sinh thái ở mức tốt nhất có thể?
Công tác bảo tồn thiên nhiên thực tế đã đóng góp rất nhiều để trả lời câu hỏi này và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì thế đừng vô thức gật đầu đồng tình khi đồng nghiệp bình luận rằng “Vấn đề là hành tinh của chúng ta quá đông đúc”.
Con người có thể là giải pháp, cũng như có thể là vấn đề.