ThienNhien.Net – Ông Triệu Văn Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, vì lợi ích kinh tế, trong những năm qua, việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây cao su đã diễn ra rộng khắp ở nhiều vùng và địa phương. Và, trên thực tế, diện tích trồng cao su đã vượt xa quy hoạch của Chính phủ.
Cụ thể, trong quy hoạch phát triển cao su cả nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 phê duyệt năm 2009, Chính phủ đặt mục tiêu: Đến năm 2020, diện tích cao su ổn định 800.000 ha, trong đó vùng Tây Nguyên 280.000 ha và Tây Bắc 50.000 ha. Tuy nhiên, mới đến cuối năm 2012, diện tích cao su của cả nước đã lên đến 915.000 ha và vẫn đang tiếp tục mở rộng, khiến rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp.
Thông tin trên được ông Hùng đưa ra sáng nay (27/9), tại hội thảo khoa học “Chuyển đổi rừng sang trồng cao su: Cơ hội và thách thức,” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với tổ chức Forest Trends và Tropenbos International Việt Nam tổ chức.
Địa phương dễ dãi, công ty lợi dụng
Theo chiến lược phát triển cao su đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, 56% diện tích trồng cao su của Tây Nguyên được lấy từ rừng nghèo kiệt, còn lại là từ đất nông nghiệp của hộ gia đình.
Thế nhưng, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đã có đến 79% diện tích được mở rộng trồng cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên là diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang. Hơn nữa, không phải toàn bộ diện tích này là rừng nghèo kiệt, vì có gần 400.000 m3 gỗ tận thu được từ việc chuyển đổi 700.000 ha rừng tự nhiên sang đất trồng cao su.
Điều đáng nói, đây mới chỉ là con số kê khai, còn theo kinh nghiệm và thực tế nghiên cứu của Forest Trends, con số gỗ tận thu thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều. Qua đó cho thấy việc mở rộng diện tích cây cao su đã trực tiếp “cướp” tài nguyên rừng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Còn ở Tây Bắc (nơi không được ưu tiên phát triển cây cao su), quỹ đất cho phát triển cây công nghiệp này chủ yếu lấy từ đất nương rẫy, đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả và đất sản xuất lâm nghiệp, đất rừng được giao cho cộng đồng.
Việc chuyển đổi này đã khiến một bộ phận dân cư mất đi nguồn sinh kế, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của địa phương, gia tăng sức ép lên nguồn tài nguyên rừng do các hộ dân thiếu đất sản xuất phải phá rừng.
Mặt khác, thời tiết và thổ nhưỡng khu vực Tây Bắc được đánh giá là không tối ưu cho việc phát triển cây cao su, có thể dẫn đến hiệu quả kinh tế không bảo đảm. Việc cây non chết ở Tây Bắc và Đông Bắc trong giai đoạn 2008-2009 càng gây thêm nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của cây cao su tại khu vực này.
Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng Bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI), nguyên nhân cơ bản của việc “vàng trắng” lấn rừng không phải từ chính sách, mà là do việc quy hoạch, giám sát thực hiện của các địa phương.
Lý giải cho thức tế trên ông Lung cho biết, vì lợi ích kinh tế, không ít chính quyền địa phương đã tỏ ra dễ dãi khi cấp phép cho các dự án trồng cao su. Thậm chí, các địa phương còn buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho một số công ty cao su lợi dụng để chuyển đổi rừng, bao gồm cả những diện tích không đáp ứng với các tiêu chí chuyển đổi.
Từ đó, “nhiều nơi việc chuyển đổi rừng sang trồng cây cao su diễn ra ồ ạt, mất kiểm soát, quá trình chuyển đổi đất lâm nghiệp của nhiều địa phương ở Tây Nguyên đã không tuân thủ các quy định của nhà nước và có hiện tượng lạm dụng chính sách để khai thác gỗ,” ông Lung nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Lung, Thông tư 58 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn trồng rừng trên đất lâm nghiệp lại sử dụng tiêu chí về trữ lượng gỗ để quy định cho việc chuyển đổi rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su cũng mang nhiều rủi ro.
“Chẳng hạn, một số loại rừng đang trong giai đoạn tái sinh nên trữ lượng gỗ thấp nhưng vẫn bị chuyển đổi sang trồng cao su. Thông tư chỉ mới hướng dẫn về kỹ thuật mà chưa tính đến các yếu tố văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư,” ông Lung nhìn nhận.
Xác định việc chuyển đổi rừng sang trồng cây công nghiệp, trong đó có cây cao su là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam. Vì vậy, nhằm chấn chỉnh việc phát triển ồ ạt cây cao su, cuối năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại tình hình phát triển cây cao su.
Trong chỉ đạo, Chính phủ nêu rõ: Một số tỉnh như Thanh Hóa, Hòa Bình và Hà Giang không nằm trong quy hoạch phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, tình trạng chuyển đổi rừng trồng cao su vẫn diễn ra ồ ạt theo kiểu trồng thử nghiệm và đại trà trên diện tích rất lớn.
“Mổ gà lấy trứng vàng”
Nhìn nhận thực tế trên, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Ngọc Lung cho rằng chuyển đổi rừng sang trồng cây cao su là chủ trương đúng đắn. Song, không thể vì lợi ích kinh tế mà các địa phương cứ thỏa sức đánh đổi tài nguyên và môi trường. Hơn nữa, hiện nay, việc chuyển đổi trồng cao su ở mỗi địa phương cũng đang “hỗn loạn” và khác nhau.
“Cũng vì không thống nhất, kiểm soát rõ ràng trong việc chuyển đổi, nên không ít dự án được giao chuyển đổi đã thẳng tay phá rừng. Và, nếu mỗi tỉnh cứ 3-4 dự án chuyển đổi với mục đích như vậy thì rừng sẽ dần bị biến mất là điều có thể,” giáo sư Lung phân tích.
Trong khi đó, nhìn nhận ở góc độ thị trường, bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, nhu cầu cao su của thế giới tăng liên tục trong thời gian gần đây đã khuyến khích Việt Nam phải mở rộng diện tích cây cao su để tăng kim ngạch xuất khẩu và góp phần cải thiện kinh tế-xã hội, phủ xanh đất trống đồi trọc…
Cũng theo bà Hoa, với tốc độ trồng cao su như trên, Việt Nam đã là nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 5 trên thế giới sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ với trên diện tích cây cao su đạt 910.500 ha năm 2012, chiếm khoảng 7% diện tích cây cao su toàn cầu và sản lượng đạt 863.600 tấn, chiếm khoảng 7,6% tổng sản lượng cao su thiên nhiên thế giới.
Ở một diễn biến khác, nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT cho thấy, trên 80% sản lượng mủ cao su được xuất khẩu, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc chiếm đến 40%, còn lại tiêu thụ nội địa 20%. Trong năm 2012, tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng trên 1 triệu tấn, tương đương hơn 2,8 tỉ USD.
Tuy nhiên, hiện nay lượng cung cao su trên thế giới đã vượt cầu. Dự báo trong năm 2013, diện tích trồng cao su ở Đông Nam Á vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu mủ cao su những tháng đầu năm 2013 giảm 50% so với năm 2012 làm nhiều hộ dân trồng cao su thua lỗ.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Nghị thuộc tổ chức Forest Trend đã cảnh báo về việc trồng cao su ở vùng Tây Bắc. Theo ông Nghị, theo nghiên cứu, khảo sát và lấy ý kiến trực tiếp của người dân khu vực này, nguồn quỹ đất trồng cao su là từ đất nương rẫy, đất trồng cây lâu năm và đất rừng đã giao cho cộng đồng. Chất lượng cao su trong những năm đầu phát triển không tốt trong khi quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp giảm mạnh làm tăng sức ép lên rừng tự nhiên.
“Thực tế phát triển cây cao su ở Tây Bắc và nhất là ở Tây Nguyên vừa qua cho thấy hiện trạng phát triển cao su đang bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến quản trị rừng tại địa phương và việc chuyển đổi rừng sang trồng cây công nghiệp (trong đó có cây cao su) là một trong 5 nguyên nhân gây mất rừng tại Việt Nam,” ông Nghị nhấn mạnh.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Kiên, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La chỉ ra việc phát triển cây cao su cơ bản vẫn còn thách thức khi diễn biến khí hậu thời tiết bất thường, khó lường trước các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến cây cao su. Do đó, trong khi thời hạn thu hoạch chưa đến chu kỳ thì việc đánh giá rõ hiệu suất canh tác là rất khó.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận hơn 70% diện tích chuyển đổi trên địa bàn tỉnh không phù hợp trồng cây cao su. Còn đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai và Kon Tum đều chung ý kiến “Việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su đã làm mất và thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, suy giảm tài nguyên rừng. Do đó, cần có tổng kết, rà soát, đánh giá lại hiệu quả của việc chuyển đổi.”
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học cũng nêu rõ, hiện nay, điều quan trọng nhất cần là lưu ý là đảm bảo tính bền vững của quy hoạch cây cao su. Do đó, cần rà soát, điều chỉnh và quản lý chặt lại để cân đối lại diện tích trồng cùng với nhu cầu của thị trường để tránh hiện tượng trồng tràn lan rồi lại phá bỏ, không thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.