ThienNhien.Net – Dù nhiều lần khẳng định các dự án bauxite có hiệu quả nhưng mới đây, Vinacomin đã xin Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cho 2 dự án này các ưu đãi về vay vốn, miễn giảm thuế, giảm phí.
Chịu lãi cao tới 12-13%/năm
Theo báo cáo của Vinacomin, hai dự án alumin Lâm Đồng và alumin Nhân Cơ đều nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, cả 2 dự án đều thuộc đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi trong đầu tư. Nhưng hiện nay, hai dự án mới được miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi trong thuế nhập khẩu các thiết bị, máy móc phục vụ dự án, các chế độ khác vẫn chưa được hưởng.
Vincominh khẳng định, cả hai dự án alumin Nhân Cơ và Lâm Đồng đều thuộc danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, ban hành kèm theo Nghị định 75 ngày 30/8/2011 của Chính phủ quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Theo đó, hai dự án sẽ được hưởng ưu đãi vay vốn, được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ nguồn tín dụng Nhà nước. Nhưng đến nay, các đề nghị của Vinacomin về vay vốn cho 2 dự án này vẫn chưa được giải quyết.
Hiện, dự án alumin Lâm Đồng đang phải vay vốn từ nguồn vay thương mại trong và ngoài nước, nguồn phát hành trái phiếu và nguồn tự có của Vinacomin. Lãi suất trung bình từ 4-5%/năm đối với tiền USD và 13%/năm đối với tiền VND.
Dự án alumin Nhân Cơ cũng đang phải thu xếp vốn từ nguồn vốn phát hành trái phiếu và vốn tự có của Vinacomin, lãi suất trung bình là 12%/năm đối với tiền VND.
Hiện nay, việc vay vốn rất khó và lãi cao, thời gian trả lãi ngắn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ của 2 dự án, đặc biệt là dự án Nhân Cơ, Vinacomin cho biết.
Vì thế, Vinacomin đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan giải quyết cho Tập đoàn được vay vốn tín dụng đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam, được hưởng hỗ trợ sau đầu tư, được bảo lãnh vay vốn khoản vay thương mại nước ngoài.
Trên thực tế, dự án alumin Lâm Đồng đã được bảo lãnh, còn dự án alumin Nhân Cơ hiện vẫn đang xúc tiến việc vay vốn thương mại nước ngoài.
Xin giảm 10 lần phí môi trường
Tập đoàn cho biết, phí môi trường đối với khai thác quặng bauxit lại cao cấp 25-30 lần so với khai thác đất. Cụ thể như, khung mức phí phải chịu là 30.000- 50.000 đồng/tấn trong khi khai thác đất để xây dựng công trình chỉ phải chịu từ 1.000-2.000 đồng/m3, cao nhất là khai thác đất làm thạch cao cũng chỉ có mức phí từ 3.000 đồng/m3.
Giá thành khai thác một tấn quặng bauxite nguyên khai là từ 40.000- 50.000 đồng/tấn, chưa kể các loại thuế, phí. Việc áp dụng phí môi trường từ 30.000- 50.000 đồng/tấn, tương đương 51.000- 80.000 đồng/m3, lên tới gần 100% giá thành quặng. Trong khi đó, phí môi trường đối với khai thác than chỉ bằng 1% giá thành khai thác.
Vinacomin cho rằng, mức phí này quá cao, không phù hợp với đặc thù khai quặng bauxite.
Quặng bauxit không phải là khoáng sản độc hại, sau khi khai thác, đất đai được hoàn nguyên, đất trồng được cải thiện hơn. Quá trình khai thác quặng bauxite phát thải các chất gây ô nhiễm như bụi, khí thải, tiếng ồn, chất thải rắn rất nhỏ, như khai thác đất. Hiện lo ngại tác động đến môi trường chủ yếu là bùn đỏ ở khâu chế biến sâu.Việc xử lý bùn đỏ đã được tính toán với hệ số an toàn và đầu tư lớn.
Do đó, Vinacomin đề nghị Thủ tướng giao các bộ ngành giảm thiểu tối đa phí môi trường đối với khai thác quặng bauxite, xuống mức tối đa là 4.000 đồng/tấn nguyên khai, tương đương 7.000 đồng/m3. Con số này sẽ bằng 10% giá thành khai thác quặng bauxite.
Bên cạnh đó, Vinacomin xin miễn thuế nhập khẩu 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với 2 loại nguyên liệu mà trong nước không đáp ứng được. Đó là xút và chất trợ lắng. Căn cứ để xin ưu đãi này là theo Nghị định 87/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
Tính đến tháng 8 năm nay, Vinacomin đã ký hợp đồng nhập 440 tấn chất trợ lắng các loại và hơn 45 nghìn tấn xút nhập khẩu. Trước đó, Vinacomin đã thông báo mời chào hàng trong nước những không có đơn vị nào sản xuất được loại chất trợ lắng. Còn nguyên liệu xút, chỉ có công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam là đáp ứng được song khối lượng lại không nhiều, dự kiến 12.000 tấn/năm, đáp ứng được 5% nhu cầu của 2 dự án alumin.
Đầu tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm việc cụ thể với Vinacomin về các kiến nghị trên, báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền.
Tuy nhiên, trước đó, Bộ Tài chính đã bày tỏ quan điểm, mức phí môi trường cho khai thác quặng bauxite này vẫn là thấp, chưa đủ kinh phí để xử lý môi trường do khai thác quặng gây ra. Khung phí do Chính phủ đã quy định, mức phí cụ thể sẽ do Hội đồng nhân dân các địa phương quyết định. Bộ này đề nghị Vinacomin thực hiện như hiện hành.
Hồi tháng 5, khi tiếp tục có các ý kiến về các dự án bauxite, Vinacomin đã khẳng định, dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng và alumin Nhân Cơ vẫn đạt hiệu quả kinh tế. Thời gian hoàn vốn của dự án Lâm Đồng là 11,85 năm và đối với dự án Nhân Cơ là 12,99 năm.
Dự án Alumin Lâm Đồng hiện đã chạy thử có tải, đã bán sản phẩm ra thị trường, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất chính thức vào cuối quý III năm nay. Dự án alumin Nhân Cơ đã thực hiện được trên 52% tổng khối lượng và dự kiến sẽ đưa vào sản xuất vào cuối quý III năm 2014.
250 triệu USD xây đường ống chuyển bôxít Lào về Việt Nam Tuyến đường ống vận chuyển quặng bô xít chó tổng chiều dài khoảng 240km từ mỏ quặng bô xít ở tỉnh Sê Kông (Lào) sang cảng Kỳ Hà, Khu kinh tế mở Quảng Nam sẽ được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn đầu tư 250 triệu USD… Sáng (26-9) Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh chính thức xác nhận thông tin về việc ông chủ trì cuộc họp nghe Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và đối tác là Công ty Khoáng sản Lào (LSM) báo cáo đề xuất đầu tư tuyến đường ống vận chuyển quặng bô xít từ Lào qua Việt Nam để xuất khẩu qua cảng biển Kỳ Hà, thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai. Vị trí mỏ nằm ở khu vực cao nguyên Sê Kông và Attapư (Lào) có độ cao khoảng 1.150m, trữ lượng khoảng 300 triệu tấn quặng bô xít hướng mở rộng về phía tây của Việt Nam. Đây là nguồn quặng giàu hàm lượng nhôm (khoảng 47%). Khu vực khai thác quặng lớn và bề mặt bóc quặng mỏng so với cao độ hiện trạng. Theo đề xuất của dự án đường ống truyền tải quặng bô xít được thiết kế trên nguyên tắc theo tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp sản xuất ống dẫn, sử dụng công nghệ thiết bị tự động hóa cao, điều khiển hoàn toàn bằng máy vi tính để quản lý, vận hành và giám sát toàn bộ hệ thống đường ống. Chiều dài tuyến ống khoảng 185 – 240km; công suất truyền tải 7 – 10 triệu tấn/năm. Chi phí đầu tư sơ bộ dự kiến (không bao gồm các loại thuế hải quan, chi phí giải phóng mặt bằng, các chi phí điện bên ngoài và chi phí cung cấp nước) khoảng 250 triệu USD. Ngoài ra còn chi phí vận hành tuyến ống khoảng 5 triệu USD/năm. Nếu dự án thành hiện thực thì đây sẽ là đường ống dẫn quặng từ nước ngoài vào Việt nam lớn nhất từ trước đến nay. Vũ Trung |