ThienNhien.Net – Trước sự việc gây chấn động ở Thanh Hóa là việc một công ty chôn giấu hóa chất độc hại xuống lòng đất, nhiều người đã đặt câu hỏi về những điểm thuốc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cả nước chưa được xử lý. Theo số liệu của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Nghệ An, Nghệ An là địa phương có điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất với 913 điểm. Đây thực sự là con số không thể xem thường.
Phấp phỏng như ngồi trên ngọn cây
Theo người dân xóm Vũ Kỳ (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành), thời chiến tranh, tại xóm này có một nhà kho của quân đội. Vì vùng này nhiều mối mọt, kiến… nên bộ đội phải dùng thuốc BVTV chôn xung quanh để phòng tránh. Sau chiến tranh, bộ đội rút đi nhưng tồn dư thuốc BVTV chưa xử lý được triệt để. Cứ mỗi đợt nắng lâu ngày, mưa xuống là xung quanh khu vực kho nước nổi màu váng đục, mùi khó chịu bốc lên. Từ những năm 1990 – 1995, rồi đến 2004 – 2005 tại 2 xóm Vũ Kỳ và Hồng Kỳ liên tục có người chết vì ung thư vòm họng, dạ dày… khiến người dân hoang mang. “Ngay cả vỏ quả xoài dai là rứa mà trồng trong khu vực ni, cứ to ra là bị nứt…” – ông Nguyễn Văn Truyền – nhà ngay cạnh điểm kho thuốc cũ cho biết.
Hiện nay nhà ông đã có nước sạch để dùng, nhưng trước đây, giếng nước có mùi hăng hăng nhưng gia đình vẫn phải sử dụng. Bà Đôn – vợ ông Truyền đã bị mắc một số bệnh như gan, thận, phổi… Ông Thái Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết, ngay khi nhận được kiến nghị của xã về thực trạng tại nhà kho cũ, Bộ Quốc phòng đã cho đơn vị chức năng về kiểm tra, xử lý. Một hệ thống nước sạch dùng riêng cho 350 hộ dân tại 2 xóm Vũ Kỳ và Hồng Kỳ đã được đưa vào sử dụng.
Tại xóm 15 (xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu) kho thuốc BVTV nơi đây vẫn còn khá nguyên vẹn. Ông Nguyễn Đức Châu – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ngoài 1 điểm ở đây thì còn 2 điểm nữa nằm trong khu dân cư tại xóm 6. Trước đây, có một con mương được làm phía dưới kho tại xóm 15 để khi mưa xuống thuốc theo nước chảy đi. Nhưng phương án này không hiệu quả vì mỗi khi mưa to, mương tràn nước thuốc lại lan ra ngoài.
Trong khi đó, điểm kho thuốc BVTV tại xóm 4 (xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn) đã được xử lý, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Phương – nhà ngay bên cạnh khu đất có kho thuốc cho hay: “Sau khi xử lý, mấy anh nớ nhờ tui trông nom rau khoai trồng thử nghiệm trên đó. Nhưng khi rau đang lên xanh thì bất ngờ úa vàng rồi rụi chết”. Con trai chị Phương là cháu Đinh Xuân Chiến và cháu ngoại Nguyễn Khánh Linh (ở cùng nhà bà Phương) bị ung thư qua đời. Cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Duân cũng đã mất vì ung thư. Trước đây, khu vực kho thuốc được người dân đào lên định thả cá thì phát hiện những “bánh” thuốc như bánh xà phòng, thả cá xuống thì cá chết.
Thiếu kinh phí và công nghệ xử lý
Bà Nguyễn Thị Đào – Chi cục phó Chi cục BVTV Nghệ An cho biết, theo điều tra khảo sát và đánh giá sơ bộ của đơn vị này thì địa bàn Nghệ An có 913 điểm tồn dư thuốc BVTV. Số điểm tồn dư này phân bố ở 446 xã trên địa bàn, tập trung ở vùng đồng bằng và trung du. Các kho thuốc này chủ yếu dùng trong nông nghiệp với hệ thống các hợp tác xã trước đây, nông – lâm trường, các xã – đội…; tiếp đó là một phần ở các kho của quân đội, y tế dùng để chống mối mọt, côn trùng…
Thực trạng tồn dư thuốc BVTV có nhiều nguyên nhân. Trước đây, chúng ta dùng thuốc BVTV chỉ quan tâm đến vấn đề sử dụng, chưa quan tâm đến vấn đề môi trường. Nhiều nơi xảy ra tình trạng, khi bàn giao chúng ta chỉ chuyển giao bộ máy nhân sự, còn kho thuốc thì bỏ quên. Chính vì vậy người dân đã tự lấy thuốc về sử dụng riêng, một số nơi chính quyền còn cho dân xây dựng nhà trên nền kho thuốc cũ. Nhận thức của người dân trước đây còn xem nhẹ tác hại của thuốc BVTV.
Việc xử lý các điểm tồn dư thuốc BVTV đang là vấn đề “đau đầu” của các cơ quan liên quan. Thực tế, trong số 913 điểm tại Nghệ An, Chi cục BVTV cũng mới chỉ sơ bộ khảo sát đánh giá được trên 277 điểm, số còn lại chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Chỉ tính riêng việc lấy mẫu phân tích đã phải chi nguồn kinh phí khá lớn. Thông thường, mỗi điểm khảo sát sẽ được lấy mẫu từ 10 – 20 vị trí, mỗi vị trí lại phải lấy tại 2 – 3 tầng đất, rồi nước… Nếu giá 1 mẫu phân tích năm 2008 khoảng 1,5 triệu đồng thì từ năm 2012 đã lên trên 3 triệu đồng. Ngoài vấn đề kinh phí là vấn đề chuyên môn. Cơ bản, việc xử lý theo 2 hình thức chôn lấp tích cực và xử lý hóa chất. “Nhưng dù có biện pháp gì thì cũng không thể xử lý nửa chừng. Phải có các trung tâm kiểm định độc lập để kiểm tra, đánh giá. Nếu ít kinh phí, thì việc làm đầu tiên là phải xây dựng được nguồn nước sạch để sử dụng, nơi nặng có thể di dời dân cách xa vị trí kho” – bà Đào cho biết.
Ông Chu Thế Huyền – Phó Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An cho rằng, khó nhất trong vấn đề xử lý tồn dư thuốc BVTV là công nghệ và kinh phí. Mặc dù chưa có tính toán cụ thể, nhưng để xử lý các điểm tồn dư thuốc trên địa bàn Nghệ An phải tốn hàng ngàn tỷ đồng. Hiện Sở TN-MT đang tiến hành điều tra, khảo sát, lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền ở trung ương để có hướng giải quyết.