Công nghệ sinh học giải quyết nhiều thách thức của ngành nông nghiệp

ThienNhien.Net – Cây trồng công nghệ sinh học có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu lương thực trên thế giới và thúc đẩy phát triển kinh tế bằng tăng năng suất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào. Công nghệ sinh học còn được kỳ vọng giúp hóa giải nhiều thách thức của ngành nông nghiệp.

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ 6 “Công nghệ sinh học: hướng phát triển cho tương lai”.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/ThienNhien.Net

Bà Claire Pierangelo, Phó đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định: Những thành tựu khoa học thời gian qua đã cho thấy công nghệ sinh học (CNSH) có khả năng giải quyết nhiều thách thức của ngành nông nghiệp. Đó là: làm giảm nguy cơ sâu bệnh và khan hiếm tài nguyên (đất, nước, phân bón); môi trường sạch hơn vì không phải sử dụng thuốc trừ sâu, đồng thời gia tăng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ các chương trình nghiên cứu nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng nông sản tại Việt Nam từ phòng thí nghiệm cho đến thương mại hóa. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã tham gia vào các chương trình CNSH, nhiều người đã sang Mỹ để thực nghiệm, nghiên cứu và học tập kỹ năng ứng dụng CNSH.

“Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những bước đi hợp lý trong quá trình đưa CNSH vào nông nghiệp, đặc biệt xây dựng hệ thống pháp luật về lĩnh vực này. Các chính sách cần xem xét thận trọng sao cho phát triển CNSH tốt nhất, không bị tụt hậu, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn trong quá trình thương mại hóa cây trồng CNSH”, bà Claire Pierangelo bày tỏ.

Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, dân số Việt Nam dự tính sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2020 và 130 triệu người vào năm 2050. Vì vậy, sản lượng ngũ cốc phải đạt 50 triệu tấn vào năm 2020 và 80 triệu tấn vào năm 2050. Trong khi, diện tích đất nông nghiệp mỗi năm mất đi 50.000 -70.000ha. Sản xuất nông nghiệp còn phải chịu tác động của khí hậu thay đổi, ô nhiễm môi trường, bệnh mới xuất hiện, thiên tai, hạn hán thường xuyên hơn, khắc nghiệt hơn, tài nguyên cạn kiệt.

CNSH đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, với rất nhiều văn bản đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển lĩnhh vực này. Điển hình như: Nghị quyết 18/CP năm 1994 của Chính phủ về phát triển CNSH ở Việt Nam; Chỉ thị 50 của Ban Bí thư trung ương Đảng năm 2005 về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, đã có 90 đề tài về CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp, 5 đề tài dự án thuộc CNSH thủy sản.

GS Paul P.S.Teng, Trưởng khoa Sau đại học của Viện Giáo dục quốc gia Singapore đã trình bày các giải pháp CNSH để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng, hạn hán, lũ lụt, bão gia tăng… sẽ tác động suy giảm năng suất và sản lượng cây trồng. Mặt khác, nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiễm mặn, giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nếu không tìm ra những giống cây trồng thích ứng, thì với kịch bản BĐKH đã được vạch ra, dự tính đến năm 2050, sản lượng lúa mì trên thế giới sẽ giảm 14-26%; sản lượng lúa giảm 32-44%; ngô giảm 2-5%; đậu nành giảm 9-18%.

Với CNSH có thể tạo ra các giống cây trồng mới, công nghệ sản xuất tiết kiệm lao động, chống chọi được các tác nhân tiêu cực. Rất nhiều thành tựu đã đạt được trong chọn tạo cây lương thực bằng CNSH như: ứng dụng phương pháp chỉ thị phân tử đối với các tính trạng để tạo ra giống mới; ứng dụng di truyền học và sinh thái học để quản lý năng suất và đa dạng sinh học. CNSH giúp tạo ra được những giống cây trồng có các đặc tính: chống chịu nóng, chịu hạn, chống chịu ngập úng, kháng lạnh, chống sâu bệnh, chống chịu mặn, hạt lúa chín sớm hoặc chín muộn để tránh bão, lụt, nâng cao hiệu quả sử dụng nước (ít phải cày và làm đất vừa giảm công sức lao động, lại giữ được độ ẩm cho đất).

Năm 2012, thế giới có 170,3 triệu hecta cây trồng chuyển gen (chiếm hơn 10% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn cầu) được canh tác ở 28 quốc gia (gồm 20 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp). Cây trồng biến đổi gen (GMO) đã đóng góp cho an ninh lương thực, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu bằng cách tăng năng suất và sản lượng cây trồng, với tổng giá trị sản phẩm của các loại cây này đạt được trong năm qua lên tới 98,2 tỷ USD.

Cây trồng GMO còn thúc đẩy bảo vệ môi trường, nhờ tiết kiệm 473 triệu kg thuốc trừ sâu và giảm lượng khí thải 23,1 tỷ kg CO2 mỗi năm (tương đương với khí thải của 10,2 triệu xe ô tô ). Đồng thời, cây GMO còn giúp bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 108,7 triệu ha đất; giúp xóa đói giảm nghèo cho hàng chục triệu người nông dân trên thế giới.

Ngoài ra, 32 quốc gia khác đã thông qua việc nhập khẩu nông sản từ cây trồng chuyển gen phục vụ nhu cầu tiêu dung. Hiện, cây trồng chuyển gen chiếm 77% tổng sản lượng đậu tương toàn cầu, 49% sản lượng bông toàn cầu và 26% tổng sản lượng ngô toàn cầu. Cây trồng chuyển gen và thực phẩm chuyển gen đã được mua bán trên khắp thế giới suốt 14 năm qua mà không gây ra bất kỳ sự cố nào về sức khỏe.

TS. Đăng Trọng Lượng, Phó giám đốc Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng cây trồng chuyển gen vào sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2010-2012 đã khảo nghiệm hạn chế đối với các giống ngô chuyển gen kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ. Năm 2011 -2012 đã đưa các giống ngô này ra khảo nghiệm trên diện rộng. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm giống ngô Bt 11, GA21 vào ngày 27/2/2013, đến ngày 17/6/2013 đã có quyết định công nhận các giống ngô MON89034, NK603, TC507 đảm bảo an toàn sinh học và môi trường trong canh tác, hiện đang trình Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép ATSH.

Công cuộc ứng dụng CNSH tại Việt Nam còn nhiều trở ngại do cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu và hệ thống nhà lưới khảo nghiệm đánh giá rủi ro chưa được đầu tư đồng bộ; hạn chế về nguồn nhân lực, công tác tổ chức, triển khai thương mại hóa các sản phẩm CNSH. Định hướng trong thời gian tới: tiếp tục nghiên cứu tạo cây trồng chuyển gen trong nước; đánh giá an toàn sinh học ngoài đồng ruộng; tăng cường kiểm soát; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống pháp lý kiểm soát cây trồng CNSH.