ThienNhien.Net – Chiểu theo các quy định hiện hành về quản lý động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thì ông Tăng Đức, chủ nuôi nhốt gấu cắn đứt tay cậu bé 5 tuổi có thể sẽ bị xử lý hình sự.
Chỉ đạo làm rõ sai phạm
Ngay khi nhận được báo cáo của Chi cục kiểm lâm và Hạt kiểm lâm huyện Thanh Sơn về việc chủ nuôi đã tự ý giết gấu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ đã ban hành Văn bản số 899/SNN-KL ngày 19/9/2013 đề nghị UBND huyện Thanh Sơn chỉ đạo cơ quan Công an, Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, làm rõ hành vi sai phạm.
Theo nhận định của Sở, việc gia đình ông Đức không tuân thủ các quy định về nuôi nhốt gấu, để xảy ra vụ việc đáng tiếc, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ hộ. Thêm nữa, việc ông Đức tự ý giết gấu nuôi là đã vi phạm quy định tại Nghị Định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các văn bản hiện hành liên quan.
Từ sự vụ này, Sở cho biết, sẽ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc gây nuôi, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo tại văn bản trên, Công an huyện Thanh Sơn đã vào cuộc điều tra vụ việc. Ngày 20/9, Hạt kiểm lâm huyện cũng tiến hành lập biên bản đối với hành vi vi phạm của ông Đức, song không ghi rõ mức phạt.
Về phía mình, ông Trần Quốc Toản, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thanh Sơn thừa nhận: “Chúng tôi nhận trách nhiệm về việc buông lỏng quản lý. Sắp tới, UBND huyện sẽ tiến hành họp để tìm giải pháp xử lý vụ việc này”.
Hàng loạt quy định pháp luật bị bỏ qua
Diễn biến vụ việc từ khi nuôi nhốt gấu đến khi tự ý giết hại gấu nuôi cho thấy, ông Đức đã vi phạm hàng loạt các quy định về nuôi nhốt gấu không đảm bảo an toàn về chuồng nuôi; không có hồ sơ, giấy tờ hợp pháp; không thực hiện việc gắn chíp; tự ý chích điện giết gấu. Các hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, việc chích điện giết gấu là hành vi vi phạm được quy định tại Điều 190 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 với mức phạt tiền từ 50 đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 2 của Quy chế quản lý gấu nuôi (ban hành kèm theo Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), “việc nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử hoặc nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp” là một trong ba hành vi bị nghiêm cấm. Và theo Điều 19 Nghị định 99/2009/NĐ-CP ban hành ngày 02/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, việc nuôi gấu không được gắn chíp, không có sổ đăng ký sẽ bị phạt hành chính ở mức từ 30 đến 50 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp tịch thu tang vật.
Thêm nữa, việc chủ nuôi khai báo là cho gấu (tang vật) cũng bị coi là hình thức mua bán, vận chuyển gấu trái phép theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Quy chế quản lý gấu nuôi. Đặc biệt, việc cho gấu có nhận tiền thực chất là hành vì bán xác gấu, vi phạm khoản 1 Điều 190 Bộ Luật Hình sự.
Ngoài những hành vi vi phạm nêu trên, việc ông Đức nuôi gấu và có chích mật (theo thông tin của Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn) là đã vi phạm Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/03/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Theo quy định tại Nghị định này, gấu ngựa thuộc nhóm 1B, thuộc loài quý hiếm, cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.
Xét theo quy định về chuồng nuôi nhốt gấu tại Điều 3 Quyết định 95/2008/QĐ-BNN, gia đình ông Đức cũng không thực hiện đúng. Thay vì phải làm trại “xung quanh có tường xây dày tối thiểu 20cm, cao tối thiểu 1,8m; đảm bảo vững chắc, an toàn, gấu không thể thoát ra ngoài”, ông Đức chỉ làm chuồng cao khoảng 70cm và không được xây dựng kiên cố.
Với những hành vi vi phạm nêu trên, lẽ ra ông Đức đã bị Kiểm lâm sở tại xử phạt và tịch thu cá thể gấu ngựa để giao cho Trung tâm cứu hộ hoặc thả về tự nhiên. Tuy nhiên, năm 2011, ông chỉ bị Kiểm lâm Phú Thọ xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng. Và đây cũng là án phạt duy nhất ông bị nhận sau gần 10 năm nuôi nhốt gấu trái phép và sai quy định.