ThienNhien.Net – Đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài, đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn – cầu Bình Lợi, vừa mới hoàn thiện, dự kiến sẽ khánh thành vào quý 4 này. Tuy nhiên, khi niềm vui chưa mở ra thì người dân khu vực trên đã đối diện nỗi lo: ngập.
Anh Trần Văn Thời, ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, nơi con đường đi qua, bức xúc: “Đường mới làm xong, đẹp hết biết, vậy mà chỉ một cơn mưa nho nhỏ thì đã ngập qua mắt cá chân, còn mưa lớn như ngày 10.9 thì ngập gần tới đầu gối, nước tràn qua cả dải phân cách. Kiểu này không bao lâu thì đường sẽ xuống cấp”.
Chịu vì lạc hậu!
Không chỉ có tuyến đường vừa làm xong đã ngập, ngay tại chính những tuyến đường đã hoàn thiện các dự án chống ngập và được các cơ quan chức năng “đóng dấu” xoá ngập, tình trạng tương tự cũng xảy ra, như: đường Lê Đức Thọ, Quang Trung (quận Gò Vấp), đường Phan Văn Hớn, quốc lộ 1A (đoạn đi qua quận 12), đường Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú)… Trong đó, bị nặng nhất là đường Quang Trung và Lê Đức Thọ ngập sâu gần nửa mét.
“Đường mới được thảm lại nhựa, cống thì mới làm lại vài năm trước, vậy mà cứ mưa tầm nửa giờ thì đố ai có thể qua lại con đường này”, ông Nguyễn Hữu Thống, nhà ở bên đường Quang trung, kể.
Trả lời về những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM (trung tâm Chống ngập), nói rằng chuyện ngập ở các tuyến đường Quang Trung, Lê Văn Thọ hay ở các tuyến đường khác đã hoàn thiện hệ thống thoát nước là do các thông số đã… lạc hậu. Cụ thể, theo quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, đối với tuyến cống cấp 3 thì chịu mưa 75,88mm trong 3 giờ, tuyến cống cấp 2 là mưa 85,36mm; kênh, rạch chính cấp 1 là mưa 95,91mm trong 3 giờ. Nhưng ở cơn mưa ngày 10.9, lượng mưa đo được ở trạm Quang Trung (từ 16 giờ đến 19 giờ) là 132,5mm. “Mưa vượt quá tiết diện thiết kế của cống nên ngập là điều khó tránh khỏi”, ông Dũng giải thích.
Tại “biến đổi khí hậu”
Cũng theo ông Dũng, tình trạng trên xảy ra là do bị “ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” nên các trận mưa có vũ lượng trên 100mm xảy ra rất thường, năm nào cũng hai ba trận. Chuyện này trung tâm Chống ngập đã biết, đã báo cáo để tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, muốn làm thì cần phải có thời gian, cần có kinh phí, “bởi có rất nhiều tuyến cống mới đầu tư không thể tháo lên làm lại được nên trước mắt đành phải chịu”. Còn trong tương lai, trung tâm Chống ngập cũng đã báo cáo với UBND TP.HCM nhiều cách để khắc phục, trong đó cho phép trung tâm này “nghiên cứu tiết diện cống như thế nào cho phù hợp với biến đổi khí hậu”. Và chuyện này rất mất thời gian, bởi cần có sự tham gia của rất nhiều bộ ngành chứ không riêng gì thành phố.
Riêng chuyện ngập trên đoạn đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài, theo giải thích ban đầu của trung tâm Chống ngập, là do trong quá trình làm đường, các đơn vị thi công đã bít dòng, tập kết thiết bị trên các tuyến rạch gây ngập. Trả lời câu hỏi: Nếu sau khi tiếp nhận hệ thống cống mà tuyến đường vẫn ngập sau mưa thì liệu trung tâm Chống ngập phải làm gì để tránh chi tiền ngân sách ra chống ngập, ông Dũng nói: “Chúng tôi chỉ được căn cứ vào hồ sơ của cơ quan phê duyệt thiết kế cống. Nếu họ làm đúng thì trung tâm phải nhận, dù thực tế anh có thấy thiết kế này hiện nay không đảm bảo để thoát nước thì cũng chịu mà thôi”.
Nếu quy hoạch được lập đến năm 2020 là vậy thì rõ ràng hệ thống thoát nước ở TP.HCM đang tỷ lệ nghịch với lượng mưa. Nếu không thể nhanh và dễ để thay đổi tiêu chí của cống thoát nước thì đồng nghĩa với việc nhiều công trình chưa làm đã biết chắc lạc hậu, biết chắc là không phát huy tác dụng và thành phố tiếp tục bị ngập, dù tiền vẫn cứ chi ra?