An ninh lương thực nhìn từ nghề cá

ThienNhien.Net – Trước hàng loạt thách thức về an ninh lương thực toàn cầu, vai trò của nghề cá trong việc cung cấp lương thực và tạo sinh kế cho hàng triệu người càng trở nên cấp thiết.

Đây là vấn đề chính được đặt ra trong báo cáo “Fisheries and the right to food” (Tạm dịch: Nghề cá và quyền đối với lương thực) của Giáo sư Olivier De Schutter – Báo cáo viên Đặc biệt về quyền đối với lương thực của Liên Hợp quốc.

Nghề cá nuôi sống hàng triệu người…

Theo Báo cáo, hiện nay nguồn cá chiếm tới 15% tổng lượng protein động vật được tiêu thụ trên toàn cầu. Ở nhóm các nước thiếu lương thực và thu nhập thấp (LIFDC), lượng tiêu thụ cá lên tới 20% và ở một số khu vực khác, con số này thậm chí còn cao hơn, điển hình là châu Á (23%) và Tây Phi (50%).

Cần nói thêm là ở ít nhất 30 quốc gia trên thế giới, hoạt động ngư nghiệp đóng góp tới hơn 1/3 nguồn cung protein động vật, 22 quốc gia trong số đó thuộc nhóm LIFDC. Điều này chứng tỏ vai trò của nghề cá trong việc bảo đảm quyền đối với lương thực* của con người, bên cạnh lương thực.

Cũng theo Báo cáo, nghề cá còn cung cấp việc làm cho 54,8 triệu người và tạo sinh kế liên quan cho khoảng 150 triệu người.

Tại các nước đang phát triển, hoạt động ngư nghiệp chủ yếu diễn ra trên quy mô nhỏ (Nguồn: Traffic-masters.net)
Tại các nước đang phát triển, hoạt động ngư nghiệp chủ yếu diễn ra trên quy mô nhỏ (Nguồn: Traffic-masters.net)

Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ cá ngày càng tăng, ngành nuôi trồng thủy sản theo đó cũng có bước tiến lớn. Báo cáo cho biết, trong những năm 1980 đến năm 2010, lượng thức ăn từ cá do ngành này cung cấp đã tăng gấp 12 lần so với trước. Hiện ngành này đang đáp ứng 45% tổng lượng tiêu thụ cá của con người. Dẫn đầu về sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu là châu Á (chiếm 88%), trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 62%.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngành công nghiệp cá, sản lượng cá lưu thông trên thị trường thế giới cũng tăng nhanh, từ 8 triệu tấn năm 1976 (trị giá khoảng 8 tỷ USD) đã lên đến 57 triệu tấn năm 2010 (ước tính trị giá 102 tỷ USD). Xu hướng này được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động đánh bắt cá nhằm mục đích xuất khẩu, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng thêm thu nhập cho ngư dân, song đồng thời cũng để lại những hệ lụy cần giải quyết.

… đang đứng trước thách thức

Mặc dù có nhiều triển vọng phát triển nhưng theo nhận định từ Báo cáo, ngành công nghiệp cá toàn cầu đang vấp phải những thách thức không nhỏ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm, mất môi trường sống và đặc biệt là vấn nạn khai thác quá mức.

Từ thập niên 1970 đến năm 1990, năng suất đánh bắt cá toàn cầu đã tăng nhanh hơn 8 lần tỷ lệ sinh trưởng ở các bãi cá. Mức độ đánh bắt ít nhất cũng cao gấp đôi mức độ khai thác cá bền vững mà các nhà khoa học đã tính toán.

Báo cáo cho hay, một động lực quan trọng thúc đẩy tình trạng khai thác quá mức trong những năm gần đây là sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá, đẩy nhanh hoạt động đánh bắt cá xuất khẩu. Ngoài ra, việc sử dụng các phương pháp đánh bắt tận diệt như đánh cá bằng lưới rà đáy cũng khiến cho nạn khai thác quá mức trở nên trầm trọng.

Cùng với những tác động tiêu cực từ nạn khai thác cá quá mức thì sự tăng nhiệt nước biển, a-xít hóa đại dương và các sự cố tràn dầu, nước thải từ hoạt động công – nông nghiệp, ô nhiễm trong quá trình nuôi trồng thủy sản, hiện tượng tích tụ nhựa phế thải trong nước cũng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của các loài động, thực vật dưới biển, trong đó có một lượng đáng kể các loài cá.

Bảo vệ nghề cá quy mô nhỏ

Để giải quyết những thách thức trong phát triển nghề cá, góp phần đảm bảo quyền đối với lương thực của con người, Báo cáo cho rằng cần tập trung bảo vệ nghề cá quy mô nhỏ bởi đây là khu vực thu hút nhiều lao động, nhất là lao động nữ, đồng thời đem lại năng suất cao.

Lâu nay, quyền tiếp cận của các cộng đồng đánh bắt cá thủ công, quy mô nhỏ vốn được bảo vệ thông qua một số công cụ pháp lý như Hiệp định về nguồn lợi thủy sản hay Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm… Nếu Liên Hợp quốc sớm cho ra đời Bộ nguyên tắc hướng dẫn bảo vệ bền vững nghề cá quy mô nhỏ, chắc chắn sẽ làm vững chắc hơn cơ sở pháp lý cho các hoạt động đánh bắt đặc thù này.

Bên cạnh đó, Báo cáo khuyến nghị trao độc quyền cho các cộng đồng đánh bắt quy mô nhỏ tại những vùng bờ hoặc vùng hồ như Campuchia đã từng áp dụng đối với hồ Tonle Sap thay vì đẩy mạnh quyền tiếp cận dựa trên hạn ngạch đánh bắt có thể chuyển nhượng (transferable fishing quota) mà Liên minh châu Âu đã đưa ra.

Và thay vì triển khai chiến lược quản lý từ trên xuống, các quốc gia nên tiếp tục triển khai cơ chế đồng quản lý mặc dù trước đó nó đã thất bại do chưa lôi kéo được sự tham gia đầy đủ của cộng đồng vào quá trình lập mục tiêu chính sách, cũng như chưa dựa trên hiểu biết về các hệ sinh thái biển ở địa phương để hoạch định chính sách và đánh giá.

Ngoài ra, Báo cáo còn kêu gọi các nước kiểm soát chặt chẽ khu vực khai thác công nghiệp để bảo vệ quyền tiếp cận của các cộng đồng đánh bắt truyền thống, thúc đẩy vai trò của họ trong chuỗi sản xuất, hỗ trợ ngư dân tiếp cận các thị trường xuất khẩu và không ngừng củng cố, nâng cao vai trò của phụ nữ trong nghề cá…


(*) Quyền đối với lương thực (right to food) được hiểu là tất cả mọi người phải tiếp cận được với lương thực mà họ cần, trong đó tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, sự phù hợp và tính bền vững của lương thực. Quyền này đòi hỏi lương thực phải được tiếp cận cả trên phương diện kinh tế và điều kiện tự nhiên. Mặt khác, lương thực phải có chất lượng, an toàn, chấp nhận được về mặt văn hóa đối với tất cả mọi người, phù hợp với tình trạng cá nhân, tuổi tác, điều kiện sống, nghề nghiệp và giới. Lương thực phải mang tính bền vững, nó không chỉ sẵn có đối với thế hệ hiện tại mà đối với cả thế hệ tương lai. (Theo Ihs.org.vn)