ThienNhien.Net – “Quả không hợp lý nếu con người lấy đi đời sống của bất cứ sinh vật nào vì mỗi chúng sinh đều có quyền tồn tại. Con vật cũng sợ hãi và đau đớn như con người. Tước đoạt mạng sống của chúng thật là sai quấy. Ta không lạm dụng trí thông minh và sức mạnh để tàn hoại sinh vật mặc dù đôi khi chúng gây thiệt hại cho ta. Loài vật cần thiện cảm của con người. Giết hại chúng đâu phải là biện pháp duy nhất để tống khứ chúng. Mỗi sinh vật đều đóng góp vào việc bảo tồn thế giới này. Thật là bất công khi ta tước đi quyền sống của chúng”.
Lời răn của Đức Phật trên đây được trích trong Chương 8 cuốn sách Vì sao tin Phật (What Buddhists believe) của tác giả – Hòa tượng K. Sri Dhammananda – do Thầy Thích Tâm Quang biên dịch. Hẳn sẽ có ý kiến cho rằng những điều nói trên thật phù phiếm bởi từ xưa đến nay, chúng ta vẫn truyền tai nhau “kẻ thắng là kẻ mạnh” và trong vạn vật tồn tại, con người vẫn luôn cho rằng mình là tối thượng và có quyền quyết định số phận của thế giới tự nhiên cũng như muôn loài.
Có thể thấy, chính bản ngã hiếu thắng, thói ham muốn vật chất thái quá, thói trọc phú thích thể hiện bản thân đã khiến một bộ phận không nhỏ trong xã hội lấn sâu vào con đường phạm pháp khi tham gia vào các đường dây giết hại, buôn bán, tiêu thụ các loài động thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài động thực vật quý hiếm. Tất nhiên, không loại trừ những trường hợp sử dụng động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã nhằm mục đích chữa bệnh với hy vọng kéo dài sự tồn tại của mình, song họ không biết rằng rất nhiều trong số đó chỉ là những phương thuốc bị đồn thổi thái quá công dụng so với cái tên “thần dược” đầy ma lực mà các đối tượng buôn bán trái phép vẫn tự phong và quảng bá. Và cũng không nhiều người nhận thức được rằng trong khi họ phải bỏ công bỏ sức tìm mua những sản phẩm đắt tiền, trái phép nhưng ít công dụng thì trên thực tế lại có rất nhiều loại thảo dược giá trị có thể được sử dụng thay thế trong việc chữa trị các loại bệnh này.
Lối tư duy và cách làm sai quấy ấy không chỉ khiến các loài động bị giết hại ngày càng nhiều khiến hệ sinh thái mất cân bằng và suy giảm trầm trọng mà còn tác động tiêu cực tới công tác tuyên truyền bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, quý hiếm. Rất nhiều chương trình, chiến dịch, sự kiện đã được khởi động, khởi xướng bởi các tổ chức, cá nhân tâm huyết, song dường như đều chỉ như muối bỏ bể.
Để duy trì một lối sống lành mạnh, thiết nghĩ bản thân mỗi người nên học cách tự cân bằng cuộc sống, cân bằng ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm sự cân bằng trong chính suy nghĩ, tư duy của mỗi người và trong cả các mối quan hệ ứng xử xã hội liên quan. Đặc biệt, cần hướng đến những giá trị nhân văn dựa trên tinh thần yêu thương đồng loại, sống hài hòa, gần gũi với tự nhiên.
Nhân câu chuyện khơi gợi sự thức tỉnh nhân văn trong vấn đề về bảo tồn các loài động thực vật hoang dã, người viết muốn đề cập sâu hơn tới câu chuyện về loài động vật quý hiếm mang tên tê giác, một trong những loài hoang dã đang bị săn bắn, giết hại hàng đầu hiện nay.
Nam Phi hiện được xem là quốc gia sở hữu nhiều tê giác nhất với số lượng khoảng trên dưới 20.000 con, chiếm 70 – 80% tổng số tê giác trên toàn cầu, tuy nhiên đây cũng là thị trường phức tạp nhất trong việc giết hại, buôn bán sừng tê giác. Và thật đáng buồn, trong số những thị trường tiêu thụ tê giác lớn nhất thế giới có “xướng” tên Việt Nam. Nạn buôn bán sừng tê giác giữa Nam Phi và Việt Nam ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.
Đặc biệt, từ sau sự kiện cá thể tê giác Java cuối cùng bị bắn chết tại Cát Tiên vào giữa năm 2010, Việt Nam chính thức bị liệt vào danh sách quốc gia không còn tê giác. Vì vậy, ngày 22/9 hàng năm – Ngày Tê giác Thế giới có thể được xem là một sự kiện gợi nhớ kỷ niệm buồn về sự tồn tại của loài động vật cực kỳ quý hiếm này tại Việt Nam.
Hy vọng, với tinh thần nhân văn đã được hun đúc qua nhiều thế hệ cùng với việc tự bồi bổ, nâng cao nhận thức về hệ thống pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn các loài động thực vật nói chung, loài tê giác nói riêng, Việt Nam sẽ sớm hạn chế và tiến tới ngăn chặn tình trạng buôn bán động thực vật hoang dã trái phép, trả lại bình yên cho thế giới muôn loài.