ThienNhien.Net – Thực hiện công ước quốc tế về động vật hoang dã, Việt Nam đã xây dựng nhiều văn bản pháp luật nghiêm cấm hành vi săn bắt, tiêu thụ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, thực trạng buôn bán bất hợp pháp vẫn diễn ra ngày một nhiều, làm suy giảm mạnh các loài cần được bảo vệ, đặc biệt là loài tê giác.
Báo động tình trạng buôn bán qua internet
Theo Quỹ toàn cầu về phúc lợi động vật (IFAW), internet là thị trường cung cấp cơ hội vô tận cho hoạt động tội phạm, trong đó có buôn bán động vật hoang dã. Liên quan đến buôn bán trực tuyến động vật hoang dã ở châu Âu, Báo cáo của Interpol năm 2013 cho biết, trong vòng hai tuần đã có hàng trăm sản phẩm từ động vật hoang dã bị rao bán với trị giá lên tới hàng triệu đô la, trong đó ba nước Anh, Pháp, Đức chiếm tới 15,2% tổng lượng buôn bán toàn cầu về các loài động vật hoang dã theo Công ước CITES.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) năm 2012 cũng cho thấy buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã là hiện tượng phổ biến trên mạng internet với 23 loài cấm thuộc Nghị định 32/CP và 22 loài cấm theo Công ước CITES. Phạm vi buôn bán trải rộng trên khắp cả nước, trong đó sôi động hơn cả là tại Hà Nội (chiếm 15%) và Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 24%).
Theo WCS, trong số các trang mạng có rao bán động vật hoang dã thì có tới 76% là những website rao vặt hoặc là trang của các cá nhân, công ty; 21% diễn ra trên các diễn đàn; và chỉ 3% được thực hiện qua mạng xã hội.
Trong số 108 loài động vật hoang dã được chào bán có trị giá từ 50 nghìn đồng đến 50 triệu đồng, phần lớn là các loại bò sát (rắn, rùa, tắc kè…) được dùng để làm cảnh; khoảng 10% được dùng làm thuốc, thực phẩm; số nuôi ở các trang trại không nhiều, chỉ khoảng 2%.
Đối với sản phẩm làm từ động vật hoang dã, phổ biến là nhung hươu nai, mật gấu, ngà voi, sừng tê giác và sản phẩm từ da cá sấu…, trong đó 61% được dùng làm thuốc; thực phẩm chiếm 4%; đồ trang trí 9%; đồ dùng khoảng 22%.
Về nguồn gốc của sản phẩm, 68% số loài có ở Việt Nam, 32% còn lại là nhập ngoại…
Việt Nam – thị trường trọng điểm về buôn bán sừng tê giác
Trên thế giới, buôn bán sừng tê giác giữa Nam Phi và Việt Nam được coi là một trọng điểm với những đặc điểm mang tính toàn cầu.
Trong vòng 35 năm, săn bắn tê giác diễn ra ở Nam Phi không có dấu hiệu của sự lạm dung, nhưng từ 2003 đã có những bất thường do sự gia tăng đáng kể thợ săn phi truyền thống, đặc biệt là các thợ săn đến từ Việt Nam (chiếm 48% trong tổng số 384 người vào tháng 5/2012). Những thợ săn phi truyền thống đã mở rộng săn bắn trộm khiến số lượng tê giác bị giết hại gia tăng đột biến. Theo M. Knight, số tê giác bị giết năm 2010 là 333 con, đến năm 2011 tăng lên 448 và theo ước tính năm 2012 khoảng 532 con.
Mạng lưới giám sát buôn bán động vật, thực vật hoang dã (TRAFFIC) nhận định, buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi đã phát triển nhanh chóng, trở thành hoạt động tinh vi với khả năng liên kết nhiều hình thức theo luật riêng trong hoạt động bất hợp pháp của các băng nhóm tội phạm. Trong số 43 vụ bắt giữ lớn người châu Á liên quan tới tội phạm tê giác ở Nam Phi, người Việt Nam chiếm tới 56%, tiếp đó là Trung Quốc với 28%.
Việt Nam từng là một quốc gia có tê giác với sự cư trú của quần thể tê giác cực kỳ quý hiếm mang tên Java Rhinoceros sondaicuss annamiticus, tuy nhiên, cá thể cuối cùng của loài tê giác này đã bị bắn chết vào năm 2010. Sự kiện tuyệt chủng tê giác có thể xem là một trong những tổn thất lớn nhất về đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Theo số liệu của CITES, từ năm 2003 đến 2010, có 657 chiếc sừng tê giác được xuất khẩu hợp pháp từ Nam Phi vào Việt Nam, song ghi nhận nhập khẩu chỉ có 170, đồng nghĩa với việc 74% không được khai báo.
Ngoài ra, mỗi năm hàng có trăm chiếc sừng tê giác được cung cấp từ nguồn săn bắn trộm, trộm cắp và sừng trong những kho không đăng ký của khu vực tư nhân tại Nam Phi thông qua các mạng lưới bất hợp pháp.
Sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam dưới góc nhìn TRAFFIC
Nhận diện về người mua và sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam, thông qua một khảo sát được công bố trong tháng 7/2013, TRAFFIC chỉ ra rằng người mua sừng thường là phụ nữ trung niên hoặc nhiều tuổi, có học thức và giàu có; phần đông mua cho người khác hoặc để biếu tặng; người sử dụng chủ yếu là đàn ông có tuổi, cũng thuộc lớp người giàu có. Những người có ý định mua/sử dụng thường ở độ tuổi trẻ hơn, không giàu có như người mua, song vẫn thuộc tầng lớp khá giả. Còn người không có ý định mua hoặc sử dụng là lớp người có thu nhập thấp, trong đó hạn chế về tài chính là trở ngại lớn nhất.
Phân tích kết quả điều tra cho thấy có 20% số người mua để sử dụng, 41% mua thuần túy và 39% thuần túy sử dụng. Người mua thuần túy thường dành cho các thành viên trong gia đình và trên 16% để biếu xén. Đối với người mua để sử dụng, 35% nhận từ thành viên trong gia đình, 65% được biếu,tặng.
Trong quan niệm xã hội, sở hữu sừng tê giác được cho là một trong những phương thức nhằm khẳng định vị thế và thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với người được biếu tặng. Số đông người có sừng tê giác là người giàu có, thuộc tầng lớp trung-thượng lưu, bao gồm cả doanh nhân, quan chức cấp cao, người của công chúng và lao động có trình độ cao; họ coi trọng địa vị khi sở hữu sừng tê giác, thậm chí còn quý hơn cả tiền bạc.
Theo chuyên gia TRAFFIC, sừng tê giác được một bộ phận tầng lớp ở Việt Nam coi là quý, hiếm, họ tích cực săn lùng nhằm hướng đến nhiều mục đích, trong đó có mục đích chữa bệnh nan y. Tuy nhiên, hầu hết tội phạm liên quan lại không sử dụng sừng tê giác để chữa những căn bệnh này.
Có thể nói, đối với Việt Nam, sự kiện cá thể tê giác một sừng đặc hữu châu Á cuối cùng bị bắn chết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào năm 2010 là một tiếng chuông cảnh tỉnh về thực trạng buôn bán, săn bắn động vật hoang dã.
TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng từng đưa ra cảnh báo: theo sách Đỏ Việt Nam 2007, số loài động, thực vật hoang dã bị đe dọa lên tới 882 loài, tăng trên 22% so với năm 1992. Nếu xu hướng này không được ngăn chặn, thời gian không xa, chúng ta sẽ phải chứng kiến “làn sóng tuyệt chủng” của nhiều loài động, thực vật hoang dã khác với mức độ chưa từng thấy trong lịch sử cùng với những thiệt hại to lớn về môi trường và kinh tế.
Hy vọng với hệ thống luật pháp theo công ước quốc tế về bảo tồn động thực vật hoang dã mà Việt Nam đã tham gia, các cơ quan thực thi sẽ thực hiện công tâm và xử phạt nặng những hành vi sai phạm. Có như vậy, chúng ta mới có thể cứu vãn được nguy cơ tuyệt chủng cao của những động vật quý hiếm cần được bảo tồn trong sách đỏ Việt Nam.
TS. Lê Thành Ý (Viện Phát triển Nông thôn & Cộng đồng – IDRC)