ThienNhien.Net – Trong năm 2009-2011, do giá mủ cao su cao nên nhiều DN tư nhân đổ xô lên Lâm Đồng xin đất rừng trồng cao su. Đến nay, lộ rõ nhiều dự án “đầu voi đuôi chuột” vì non vốn, nhưng đằng sau nó là không ít hệ lụy xảy ra…
Năm 2010, 2011 do giá mủ cao su tăng “kịch trần”, thời điểm cuối tháng 5/2011 tăng đến 100 triệu đồng/tấn mủ (hiện nay bình quân 50 triệu/tấn) nên có thể nói tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương vào thời điểm đó đã có rất nhiều DN tư nhân đổ xô đến xin đất trồng rừng, trồng cao su.
Đến nỗi, ngày 25/3/2011, UBND tỉnh phải có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng ngừng cấp phép đầu tư trồng mới cao su từ vốn của các công ty tư nhân. Tuy nhiên, theo thống kê thì tại thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng cũng đã gánh đến 43 dự án trồng rừng kinh tế, trồng cao su của các DN với tổng diện tích thu hồi từ “rừng nghèo” của các Lâm trường Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm lên đến 19.500 ha.
Nhưng ngay từ đầu, trong 43 dự án đã có đến 25 dự án phá rừng với tổng số vụ được thống kê là 241 và diện tích rừng bị xâm hại hơn 237 ha. Trong đó, đáng kể là huyện Bảo Lâm có gần 164 ha; Đạ Tẻh hơn 51 ha và Đạ Huoai là 22 ha. Điều đáng nhấn mạnh là trong 241 vụ vi phạm này đã gây thiệt hại đến 1.753 m3 gỗ.
Trong đó, Đạ Tẻh tuy không đứng đầu về diện tích rừng bị xâm hại nhưng là địa phương dẫn đầu trong 3 huyện về số lượng lâm sản bị thiệt hại: 826 m3 gỗ. Đặc biệt, khối lượng gỗ khai thác tận thu trong thực tế lớn hơn đến hàng ngàn m3 so với thiết kế. Cụ thể, 10/15 dự án khai thác trong thực tế vượt quá thiết kế những 1.269 m3; trong đó có đến 370m3 gỗ nhóm 2.
Tại Bảo Lâm, có 2 dự án khai thác số lượng gỗ thực tế lớn hơn thiết kế đến 1.834 m3. Còn tại Đạ Huoai, trong 14 dự án thì có đến 6 dự án khai thác gỗ nhóm 2 được nghiệm thu là 136 m3, 4 đơn vị khai thác gỗ nhóm 3 gần 55 m3 và 5 dự án khác khai thác hơn 130 m3 gỗ nhóm 4 được nghiệm thu nhưng trong hồ sơ thiết kế hoàn toàn không được thể hiện.
Cùng với việc xác định sai khối lượng, thực tế còn xảy ra tình trạng đưa gỗ thuộc nhóm có giá trị (nhóm 2, nhóm 3) xuống thành các nhóm ít giá trị hơn (nhóm 5, nhóm 7). Tại huyện Bảo Lâm có 2 dự án không những khai thác thực tế lớn hơn so với thiết kế gần 2.000 m3 gỗ mà 2 chủ đầu tư này còn được “ưu ái” xác định gỗ từ nhóm 3 đến nhóm 6 vào trong hồ sơ thiết kế là nhóm 7.
Cũng tại huyện Bảo Lâm, có đến 4 dự án khai thác gỗ nhóm 2 không đúng hồ sơ thiết kế (dổi, sao, kiền kiền) với tổng khối lượng lên đến 571 m3; trong đó, Cty CP Cao su Bảo Lâm chiếm đến 306 m3, số còn lại thuộc về các đơn vị Cty TNHH Đại Đại Tiến (hơn 192 m3), Cty TNHH Mạnh Tuấn (64 m3) và Cty TNHH Minh Ngọc (9,2 m3).
Đến nay, đã có 98 vụ được xử lý với tổng số tiền phạt là 791 triệu đồng. Trong các vụ vi phạm này, cơ quan kiểm lâm đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra và khởi tố vụ án 4 vụ; trong đó huyện Đạ Tẻh chiếm 2 vụ và Đạ Huoai 2 vụ.
Điển hình là, Cty TNHH Việt Tài khai thác trái phép vào diện tích phải quản lý bảo vệ rừng là 4,5 ha ở Bảo Lâm tương ứng với số lượng gỗ 900 m3; Cty CP Thương mại XNK Xuân Hằng khai thác gỗ ngoài phạm vi cấp phép là 1,8 ha ở Đạ Huoai. Vụ việc này đã chuyển cho cơ quan CSĐT công an huyện Đạ Huoai từ năm 2011 đã 2 năm nhưng chưa có quyết định xử lý.
Điều đáng nói là, số liệu tổng hợp đăng ký trồng cao su của các dự án theo giấy phép đầu tư là gần 12.000 ha, nhưng đến nay theo tổng kết của ngành chức năng thì diện tích trồng cao su có 40%, còn lại là “rừng hoang” hoặc rừng đã khai thác tận thu lâm sản, nhưng sau khi tận thu bán cây gỗ xong thì chủ đầu tư để đó không tổ chức triển khai SX trồng cao su.
Tại huyện Bảo Lâm có gần 5.000 ha cao su đăng ký nhưng thực tế chỉ trồng có 1.600 ha. Cụ thể như Cty TNHH Mạnh Tuấn trồng có 10 ha/183 ha được cấp; Cty TNHH Bảo Lộc Phát trồng có 35 ha/420 ha; Cty TNHH Phương Hải trồng 20 ha/229 ha; Cty TNHH Quân Ngọc trồng 25 ha/175 ha…
Tương tự, tại huyện Đạ Tẻh cũng có không ít dự án trồng cao su đang “tê liệt” như DNTN Hiệp Hòa Phát được cấp 390 ha từ năm 2011 mà trồng có 7 ha; Cty CP Cao su An Lợi trồng 30 ha/209 ha, Cty TNHH Trồng rừng Cao su Nam bộ; Cty Lâm Thành…
Ông Châu Hải Nguyên, chủ đầu tư một dự án 500 ha cao su ở huyện Đạ Huoai cho biết, sở dĩ một số dự án hiện không thể tổ chức triển khai trồng cao su theo giấy phép đầu tư, mặc dù đang bước vào vụ trồng mới, chủ yếu là do “non vốn”, trong khi đó cây giống, vật tư phân bón, lao động đều tăng.
“Chi phí đầu tư cho 1 ha trồng mới bao gồm tiền khai hoang đất rừng 15-20 triệu, cây giống 12 triệu (20 ngàn/bầu giống x 600 bầu), phân bón, công lao động tổng cộng khoảng 40 triệu, đó là chưa kể tiền nuôi ăn ở tại chỗ cho các lao động quản lý, kỹ thuật, bảo vệ, trồng cao su trên đất dự án. Mỗi năm trồng mới 50 ha là mất đứt 2 tỷ bạc. Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, rất ít DN tư nhân nào đảm bảo nguồn vốn lưu động nói trên” – ông Nguyên nói.
Ngoài ra, cũng có không ít nhà đầu tư mà thực chất là “cò dự án”, đi xin đất trồng cao su vào thời điểm giá mủ cao với mục đích sang nhượng thu lợi bất chính từ tài nguyên rừng. Theo tìm hiểu chúng tôi, trong khi chi phí đi lại quan hệ, chạy chọt của các “cò” xin dự án trồng cao su khoảng 400-500 ha đất hết chừng 1 tỷ, nhưng sau khi có giấy chứng nhận QSDĐ, gặp đối tác có tài chính mạnh “sang tay” bỏ túi vài tỷ là bình thường.
“Vừa qua, các dự án đầu tư trồng cao su tràn lan, trong khi ngành chức năng lại không đánh giá hết năng lực của họ, hàng năm cũng không tổng kết xem thử DN nào làm ăn tốt, DN nào làm ăn không đàng hoàng nên nhiều dự án trồng cao su hiện nay “dở dở ương ương” cũng là điều dễ hiểu” (ông Nguyễn Bá Khai – Phó GĐ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh). |