Bàn cách xây dựng Đặc khu kinh tế Phú Quốc

ThienNhien.Net – Để tạo “sức bật” cho Phú Quốc vươn lên thành Đặc khu kinh tế, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng các cơ chế, chính sách đặc thù phải “vượt lên” hệ thống cơ chế, chính sách của cả nước.

Sáng ngày 16/9 tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức hội thảo khoa học đóng góp ý kiến vào Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Chủ trì Hội thảo là Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Kiên Giang và các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội thảo (Ảnh: Thành Chung/Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội thảo (Ảnh: Thành Chung/Chinhphu.vn)

Việc xây dựng một Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc (còn có thể gọi là Đặc khu kinh tế Phú Quốc) là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang thực hiện nhằm phát huy lợi thế tự nhiên của Phú Quốc.

Phú Quốc có khí hậu thuận lợi, thiên nhiên đa dạng, thích hợp cho việc phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển loại hình du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, có lợi thế cửa ngõ hàng hải quốc tế quan trọng để giao thương với khu vực và thế giới.

Tạo đà cho Phú Quốc phát triển mạnh mẽ

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Qua 9 năm thực hiện, kinh tế-xã hội Phú Quốc có bước phát triển tích cực: GDP tăng bình quân 22%/năm, thu ngân sách bình quân tăng hơn 36%/năm, gấp 15 lần; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11 lần; lượng khách du lịch tăng 3 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14% xuống còn 1,86% vào năm 2012…

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trên vẫn chưa đạt yêu cầu so với tiềm năng lợi thế của Phú Quốc và Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt này có ý nghĩa tạo đà cho Phú Quốc phát triển mạnh mẽ.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng Phú Quốc “trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm công nghệ, trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí trình độ cao, giao thương quốc tế lớn và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế”.

Điểm nổi bật của Đề án này là thiết lập mô hình tổ chức chính quyền năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong xây dựng, đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục…

Cụ thể, Đề án dự thảo Đặc khu Phú Quốc có 2 cấp hành chính là cấp đặc khu (có HĐND và UBND) và cấp phường (chỉ có Ủy ban hành chính). Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nguồn nhân lực, xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, quản lý sử dụng đất, thuế, giữ lại 100% số thu ngân sách trên địa bàn để đầu tư kết cấu hạ tầng.

Chính sách với Phú Quốc phải “vượt lên” cơ chế hiện hành

Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng những cơ chế, chính sách mà Đề án đề cập là ở mức cao nhất hiện đang áp dụng cho các địa bàn trên cả nước.

Tuy nhiên, để tạo “sức bật” cho Phú Quốc, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng các cơ chế, chính sách đặc thù phải “vượt lên” hệ thống cơ chế, chính sách của cả nước.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đề nghị bổ sung thêm cơ chế đặc thù về đất đai và sở hữu bất động sản. Cụ thể, rừng, biển ủy thác cho chính quyền Đặc khu quản lý, không phải hàng hóa để mua bán. Loại đất “công điền, công thổ” cần được xác lập là tài sản của pháp nhân Đặc khu, quản lý theo chế độ sở hữu Nhà nước; đất ở, đất sản xuất, kinh doanh… thuộc sở hữu pháp nhân, hoặc thể nhân (sở hữu có điều kiện).

Theo TS. Trần Du Lịch, xác định thực trạng sử dụng đất như vậy sẽ minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai, đồng thời đề nghị không nên áp dụng cơ chế giao đất cho nhà đầu tư mà thay bằng cơ chế “đấu giá quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng”.

Cụ thể, Trung ương tạm ứng cho Phú Quốc một khoản vốn nhất định để trưng mua đất nông nghiệp của người dân, sau đó công khai đấu giá từng lô đất khi đã có quy hoạch sử dụng đất. Từ đó phần thu về cho ngân sách Đặc khu được tính toán theo cơ chế 3 bên (Đặc khu, người dân và doanh nghiệp) cùng có lợi.

Ngoài ra cần áp dụng thể chế “sở hữu bất động sản có thời hạn” ở Đặc khu, không phân biệt kiến trúc trên đất và đất. Cơ chế này sẽ xác lập quyền tài sản cho nhà đầu tư có thể thế chấp vay vốn và tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Cho phép Đặc khu Phú Quốc mở casino 

TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Phú Quốc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nên ngoài đề xuất cơ chế, chính sách liên quan thu hút đầu tư thì phải có thêm các chính sách thu hút khách du lịch, đang dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Văn Thành đề nghị cần cho phép đặc khu Phú Quốc được kinh doanh dịch vụ casino gắn với du lịch, nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch.

Về tổ chức chính quyền, TS. Nguyễn Minh Phương (Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ) cho rằng mô hình Ủy ban nhân dân gồm cấp trưởng, cấp phó và các ủy viên, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, về thực chất không khác với mô hình tổ chức, hoạt động của UBND hiện hành, chưa đảm bảo hết mục tiêu chính quyền đặc khu tinh gọn, ít tầng nấc và quản lý, điều hành thống nhất.

Theo TS. Nguyễn Minh Phương cần thực hiện thí điểm chế độ Thủ trưởng hành chính nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giải quyết kịp thời các công việc phát sinh trên địa bàn.

Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Đặc khu được TS. Trần Du Lịch gợi ý cần làm rõ ở một số nội dung: Thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền tài chính công (thu, chi ngân sách Trung ương theo cơ chế ủy nhiệm, chịu sự giám sát của Trung ương; ngân sách địa phương thì tự chủ-tự chi và tự chịu trách nhiệm), thẩm quyền tự chủ bộ máy tổ chức và nhân sự…

Ngoài ra, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, năng lực là nội dung mà nhiều chuyên gia đề nghị Tổ soạn thảo Đề án tập trung làm rõ hơn nữa.

Cần làm rõ những sản phẩm đặc thù để phát huy lợi thế 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình với các ý kiến chuyên gia về tính cần thiết xây dựng khu vực kinh tế-hành chính đặc biệt để Phú Quốc phát triển mạnh mẽ, gắn với sự phát triển của cả nước và những vấn đề an ninh, quốc phòng. Đồng thời, Đề án cần làm rõ hơn những sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề đặc thù của Phú Quốc để phát huy lợi thế cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: Cần rà soát, xây dựng các chính sách đặc thù, có tính đột phá, “mạnh mẽ” hơn so với những chính sách thể hiện trong dự thảo Đề án. Những chính sách này cần xây dựng trên tổ chức chính quyền năng động. Bên cạnh đó, các chính sách về đất đai, hải quan, thuế, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực để áp dụng ở Phú Quốc cần phải được thể chế trong Hiến pháp và luật.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đề án phải có chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư xã hội, xác định rõ Nhà nước hay tư nhân đầu tư hạng mục gì. Đồng thời các nội dung mà Đề án đề cập phải đảm bảo tính khả thi.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Tổ soạn thảo tiếp tục rà soát việc điều chỉnh quy hoạch có giá trị lâu dài, kiên quyết điều chỉnh các dự án đã cấp phép từ trước nhưng nay không còn phù hợp để tránh lãng phí, tốn kém về sau. Bên cạnh đó quản lý đất đai tại Phú Quốc phải có chương trình tổng thể, tránh đầu cơ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò quang trọng của tỉnh Kiên Giang trong thực hiện Đề án. Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan cũng cần nêu cao trách nhiệm góp ý hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị và Quốc hội.