ThienNhien.Net – Năng lượng tái tạo (NLTT) đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các quốc gia trên thế giới khi mà nguồn tài nguyên truyền thống đang ngày càng trở nên khan hiếm và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Tuy nhiên, vì những rào cản về tài chính và công nghệ, để NLTT thực sự trở thành nguồn thay thế hiệu quả trong tương lai, các quốc gia cần có một chính sách hỗ trợ phù hợp và một kế hoạch thực thi hiệu quả.
Năng lượng tái tạo đang ngày càng “thân thiện với túi tiền”
Theo đánh giá của hãng bảo hiểm Allianz, hiện nay “ở hầu hết các thị trường châu Âu, cơ sở hạ tầng và sản lượng NLTT đang được đầu tư đáng kể và ngày càng ít phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ chính phủ”.
Đáng nói hơn, giá NLTT có xu hướng giảm rõ rệt và được dự báo sẽ tiến tới cân bằng với giá các nguồn năng lượng truyền thống ở nhiều nơi trên thế giới trong tương lai không xa.
Ở Mỹ, tính riêng quý I/2013, chi phí trung bình cho năng lượng mặt trời tại các khu dân cư chỉ còn 4,93 USD/W, giảm 15,8% so với năm ngoái, thậm chí ở một số nơi, chi phí này còn nằm dưới ngưỡng 3 USD/W.
Điện gió hiện đã rẻ hơn điện hạt nhân và có khả năng cạnh tranh tốt với nhiệt điện nếu các chi phí ngoại tác liên quan tới sức khỏe, môi trường được bao gồm trong giá bán.
Theo cơ quan chuyên về tài chính năng lượng mới của Bloomberg (BNEF), trong vòng 5 năm tới đây, giá điện gió trên biển sẽ giảm 12% và đến năm 2016, những trang trại điện gió tân tiến nhất thế giới có thể sản xuất ra nguồn điện với giá ngang ngửa than và dầu khí.
Cũng theo BNEF, giá NLTT giảm mạnh tuy đẩy nhiều nhà sản xuất quang điện và phong điện vào tình trạng phá sản, song lại nhen lên hy vọng nhân ba lượng đầu tư vào lĩnh vực này trong 17 năm tới, từ 190 tỷ USD năm 2012 lên 630 tỷ USD cuối thập kỷ 2020, đưa NLTT chiếm một nửa tổng công suất phát điện năm 2030.
Không khó nhận ra vấn đề chi phí, giá cả chính là một trong những rào cản lớn kìm hãm sự phát triển của NLTT suốt nhiều năm qua mà căn nguyên của nó xuất phát từ việc nghiên cứu, ứng dụng và vận hành công nghệ mới còn khó khăn, tốn kém.
Tuy nhiên, may mắn là các chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ NLTT gần đây đã gia tăng nhanh chóng. Các chính sách chủ yếu tập trung vào hoạt động triển khai công nghệ và phát triển thị trường, khác với thập niên 1970 và 1980 đơn thuần tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Số quốc gia có chính sách hỗ trợ công nghệ NLTT cũng tăng mạnh, từ 48 nước vào giữa năm 2005 đã tăng lên 127 nước đầu năm 2013.
Hơn nữa, nếu năm 2005, tỷ lệ các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi chiếm chưa đầy 1/3 tổng số các nước có chính sách hỗ trợ NLTT thì đến năm 2013, tỷ lệ này đã là hơn 2/3 – Evan Musolino, Viện Quan sát Thế giới (Worldwatch), cho hay.
Ngoài chính sách hỗ trợ về công nghệ, thời gian gần đây, các quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo còn đẩy mạnh chính sách trợ giá cho NLTT, ban hành các tiêu chuẩn danh mục NLTT nhằm tăng tỷ lệ sử dụng các nguồn tài nguyên không các-bon để tạo ra điện trong những năm sắp tới…
Chính sách phát triển NLTT cần cải thiện theo hướng nào?
Mặc dù không có chính sách chung nào phù hợp với tất cả các quốc gia, song so sánh quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ NLTT ở 7 nước bao gồm Philippin, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Morocco, Nam Phi và Tây Ban Nha, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã khuyến nghị 4 điểm quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách nên tập trung để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ nhất, mục tiêu chính sách phải được xác định rõ ràng, được đông đảo người dân ủng hộ, có cơ chế thúc đẩy linh hoạt mà vẫn đảm bảo sự ổn định. Về điểm này có thể kể đến khung chính sách về NLTT của Đức – một khung chính sách nhận được sự ủng hộ của nhiều bên liên quan, từ các nhà hoạch định chính sách thuộc các đảng phái chính trị khác nhau đến người dân và cả các doanh nghiệp. Đây là nền tảng giúp Đức có thể áp dụng thành công chính sách khuyến khích giá điện NLTT cùng nhiều công cụ chính sách khác làm đòn bẩy thúc đẩy tương lai bền vững của điện năng tái tạo.
Thứ hai, quy trình ra quyết định liên quan đến NLTT cần thể hiện tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự phối hợp, hợp tác và tham gia giữa các bên liên quan. Câu chuyện thu hút đầu tư của Ấn Độ có thể minh họa cho điều này. Sau những hồ nghi ban đầu, hệ thống mời thầu cạnh tranh của Ấn Độ đã chứng tỏ được sức hút với các nhà thầu chất lượng đối với các dự án năng lượng mặt trời nhờ sự minh bạch, công khai của cơ quan chức năng Ấn Độ trong suốt quá trình đấu thầu.
Thứ ba, việc lên kế hoạch và thực thi chính sách về NLTT phải dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng và công nghệ tương xứng với những bước đi rõ ràng, chặt chẽ từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Trung Quốc đã đạt được không ít thành tựu trong lĩnh vực NLTT nhờ đầu tư và vận hành tốt cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện có, đáp ứng yêu cầu phát triển NLTT trong thời gian dài.
Và sau cùng, cần đặc biệt chú ý tới hoạt động nâng cao năng lực thể chế và nguồn nhân lực để thực thi chính sách, quản lý các hệ thống NLTT. Chiến lược Năng lượng Quốc gia của Morocco là một điển hình của việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ một lĩnh vực mới. Ở thành thị họ có những chương trình đào tạo chuyên sâu về NLTT; còn ở nông thôn, cán bộ và người dân cũng được hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận thông tin thông qua các sáng kiến và dự án…