ThienNhien.Net – Từng nuôi sống hàng ngàn hộ dân cùng 300ha rừng nguyên sinh và rừng cao su, thế nhưng những năm gần đây suối Rạch Bé bỗng biến thành dòng suối chết bởi nguồn nước thải đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc từ một nhà máy sản xuất cồn. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, xuất hiện nhiều chứng bệnh lạ, hoa màu thất thu, cá tôm đều chết sạch khiến cuộc sống của người dân vốn đã nghèo khó lại càng thêm điêu đứng.
Khổ vì ô nhiễm
Có mặt tại xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước nơi dòng Rạch Bé chảy ngang, mặc dù còn cách con suối một quãng đường gần cây số nhưng chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc, đặc trưng của chất thải từ củ mì và mật mía. Hỏi thăm người dân, chúng tôi mới biết đó là mùi hôi thối bốc lên từ dòng Rạch Bé kèm bọt tung trắng.
Ông Nguyễn Văn Dũng (một lão nông, 60 tuổi, ở ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa) than thở: “Trước đây suối này nước trong vắt, nhìn thấu đến tận đáy, cua cá, tôm tép, ốc rất nhiều, chỉ cần đi vớt một lúc là có cái ăn nhưng từ khi dòng suối bị ô nhiễm thì cá chết hàng loạt, giờ thì không còn con gì sống sót. Cây cao su giảm lượng mủ, cây ăn trái, hoa màu, đất bị ô nhiễm nên không trồng được. Hiện giờ cây cao su lớn không chết, nhưng tôi khẳng định nếu đem cao su con vào trồng lại ngay trên mảnh đất này thì sẽ bị chết”.
Ông Trương Văn Bình (ngụ ấp Đồng Tân, xã Tân Hòa) cho biết: “Cứ sáng ra là thấy nước suối đen thui. Chúng tôi nghe nói do nhà máy cồn thải ra. Ngày thì không có nhưng cứ đêm đến sáng là nước thải đen sì, hôi thối chảy ầm ầm, ô nhiễm không chịu nổi. Trước đây mỗi khi trời mưa, nước ngập bà con lại đem cần câu ra bờ suối cắm và chỉ chốc lát có cá nấu được nồi canh ngon lành, còn mùa nắng thì lội xuống mò cua, bắt tôm tép. Nhưng vài ba năm trở lại đây nguồn lợi tự nhiên này không còn nữa. Chưa hết, từ ngày con suối bị ô nhiễm chúng tôi thấy bị ốm đau nhiều, bệnh sốt rét triền miên. Muốn nuôi thêm con gà, con vịt để cải thiện cuộc sống cũng khó khăn, bị dịch bệnh nhiều hơn so với trước. Tương lai lâu dài nó còn ảnh hưởng gì nữa thì không biết chứ hiện giờ chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm nghiêm trọng. Cứ “hưởng thụ” cái này lâu dài thì sức lực con người chống sao nổi”. Ông Bình cho biết gia đình ông có đất gần bờ suối nhưng không ở được phải chuyển ra xa nhưng cũng chẳng ăn thua. Bà con ở đây rất phẫn nộ với những kẻ đã nhẫn tâm đầu độc dòng Rạch Bé và cầu cứu các cơ quan chức năng nhiều năm nay nhưng chưa thấy ai xử lý (?!).
“Hôi lắm! Mùa mưa mà đang còn vậy đấy chứ mùa nắng chịu không được đâu. Mùa nắng mùi hôi cao gấp ba lần so với mùa mưa. Ở đây bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất. Cá tôm chết hết, từ khi suối bị ô nhiễm không còn thứ gì sống nổi nữa”, bà Nguyễn Thị Mai (SN 1952, ngụ ấp Đồng Tân, xã Tân Hòa) bức xúc. Mặc dù nhà bà Mai ở khá xa dòng suối nhưng buổi trưa gió thổi là không thở được. Ngày xưa khi chưa bị ô nhiễm, dòng suối này nước trong veo. Đi chăn bò lội qua suối không sao, còn bây giờ đi về thì chân đen sì, hôi hám, rửa hoài không sạch. Lội xuống suối lên là da bị ngứa.
Truy tìm thủ phạm
Trong vai những người đi bẫy chim, chúng tôi lần theo đường mòn dọc bờ suối đi vào rừng truy tìm thủ phạm đã giết chết dòng Rạch Bé. Đích đến là nhà máy chuyên sản xuất cồn nằm sâu trong rừng của Công ty H. ở ấp Đồng Tân, xã Tân Hòa. Quy trình sản xuất của nhà máy này như sau: nhập mật mía về nấu thành cồn, nước thải từ sản xuất không được xử lý chạy ra các hồ chứa rồi lén lút xả ra suối Rạch Bé. Mùa mưa nước lớn ban ngày không thấy, còn mùa khô thì nước suối đen sì cả ngày lẫn đêm, ở những khúc tụ nước cá chết nổi lềnh bềnh. Người dân không thể sử dụng nguồn nước suối để tưới tiêu và sinh hoạt. Không những thế, nguồn nước ô nhiễm này còn xâm nhập vào các giếng nước đào, giếng khoan của người dân khiến nước đổi màu đen thui không thể sử dụng. Môi trường ô nhiễm nên ruồi muỗi sinh sôi rất nhiều, tới mức ban đêm có thể dùng tay vơ được. Ở vùng này dân cư còn thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đây là điều kiện thuận lợi cho một số kẻ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Do tối hôm trước trời đổ mưa lớn, con đường rừng đất… đầy sình trơn trợt rất nguy hiểm, chúng tôi phải cố gắng tập trung điều khiển xe với tốc độ chỉ khoảng hơn 10km/giờ. Dọc đường đi, cây bụi mọc um tùm, xe chạy qua nghe rào rào đến rợn người. Đang đi thì chúng tôi khựng lại vì gặp cây cầu tạm bằng gỗ bắc qua suối khá trơn trượt và gập ghềnh. Dưới suối, dòng nước đen kịt chảy ào ào. Nếu qua cầu lỡ ngã xuống nước thì coi như toi mạng. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng chúng tôi khi nghĩ đến việc phải vượt qua cái cầu này. Đến đoạn đường dẫn vào nhà máy thì toàn sình lầy, do bị xe tải ra vào thường xuyên cày nát. Mặt đường ổ voi nhiều hơn ổ gà, nước đọng thành ao trông rất thê thảm. Mỗi khi băng qua ổ voi, nước văng tung tóe, cả người và xe nhuốm một màu đen thui, lấm lem bùn đất. Đang đi đột nhiên anh Đ. (Công an xã Tân Hòa, là người dẫn đường) phát tay ra hiệu xuống xe, tắt máy và phải giữ im lặng vì sắp đến nhà máy cồn. Sở dĩ phải cẩn thận như vậy là vì đột nhập vào đây rất nguy hiểm, có thể bị tấn công bất cứ lúc nào nếu bị phát hiện.
Nấp sau bụi cây lớn, vừa thấy bảo vệ vào trong, chúng tôi đẩy xe máy vào khu đất trống lấy cây che lại rồi đi bộ đến sát nhà máy. Khi đến gần chúng tôi phát hiện một đường mương dẫn nước thải trực tiếp từ trong nhà máy cồn chảy thẳng ra vườn cao su của người dân. Chất thải có mùi như mật mía, gặp trời mưa nên mùi gắt khó chịu. Mặc dù đã ngụy trang máy chụp hình, quay phim rất kỹ nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng. Bởi chỉ cần sơ hở là có thể mất mạng như chơi vì khu vực này nằm giữa rừng hoang vắng. Vào được bên trong khuôn viên nhà máy, chúng tôi thấy có sáu cái hồ (bốn hồ lớn và hai hồ nhỏ) chứa đầy nước thải đen kịt, đặc quánh như nhựa đường bốc mùi hôi thối nồng nặc, cây cối trong hồ chết khô. Trên bờ hai hồ nhỏ đặt hai máy bơm công suất lớn mà theo người dân dùng để bơm nước thải trực tiếp ra suối. Leo từ mép hồ xuống suối Rạch Bé, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng đau lòng: nước thải không qua xử lý được xả thẳng ra suối qua đường ống phi 210mm được chôn ngầm dưới đất chạy hết công suất, bọt bay tung tóe. Cả dòng suối trở nên đen kịt, bọt trắng xóa bốc mùi hôi thối. Cách đó chừng 50m là một đường ống khác dẫn nước thải đổ ra suối Rạch Bé từ cái hồ nhỏ nằm phía sau nhà máy. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là thủ phạm đã và đang từng ngày, từng giờ đầu độc dòng Rạch Bé đúng như những gì mà người dân phản ánh.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, sớm có biện pháp buộc nhà máy sản xuất cồn của Công ty H. ngưng xả thải hoặc phải xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường xung quanh.