ThienNhien.Net – Liên tiếp xả thải độc khiến đời sống và sản xuất của hàng trăm hộ dân xã Phong An (Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) điêu đứng, nhưng Nhà máy Tinh bột sắn TT – Huế vẫn chưa bị xử lý.
Hồ Bàu Sen ở thôn Thượng An (xã Phong An) là nơi cung cấp nước tưới cho gần 12ha ruộng lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng An (HTX Thượng An). Có mặt tại đây vào trung tuần tháng 9, chúng tôi chứng kiến cá trong hồ chết la liệt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước đen ngòm.
Ông Lê Thanh – Trưởng thôn Thượng An cho biết, tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ xảy ra liên tiếp trong gần 1 tháng nay. Đến hôm chúng tôi có mặt, đã có khoảng hơn 1 tấn cá ở hồ bị chết. Nguyên nhân khiến cá chết là do Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên – Huế lợi dụng lúc trời mưa để xả nước thải độc hại ra môi trường.
Gần đó, 6.500m2 mặt nước nuôi cá và trồng sen của gia đình ông Hồ Bòn cũng bị thiệt hại nặng nề bởi nước thải của Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế. Gia đình ông Bòn thuê diện tích mặt nước này của HTX Thượng An để phát triển kinh tế từ năm 2011. Không bao lâu sau khi đi vào sản xuất, cá nuôi của ông Bòn bị nguồn nước thải trên làm cho chết hàng loạt, sen trong hồ cũng không sống nổi.
Nguồn nước thải độc hại từ nhà máy này còn khiến gần 12ha ruộng lúa của xã viên HTX Thượng An bị nhiễm độc, cây lúa không cho hạt, nhiều diện tích mất trắng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Đôn – Phó Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết, hiện có khoảng 300 hộ dân thôn Thượng An bị ảnh hưởng bởi nước thải của Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở các thôn khác cũng đã, đang bị mùi hôi thối và nước thải của nhà máy này “bức tử”.
Bao che thủ phạm?
Theo ông Nguyễn Quang Thông – Chủ nhiệm HTX Thượng An, trước tình trạng đời sống và sản xuất bị nước thải của Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế “bức tử”, người dân đã rất nhiều lần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý thủ phạm gây ô nhiễm nhưng mọi chuyện vẫn gần như giẫm chân tại chỗ. Cụ thể, trước việc nhà máy xả thải khiến cá chết hàng loạt những ngày qua, dân đã kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc nhưng đến nay nhà máy vẫn “bình yên vô sự”.
Khi phóng viên NTNN liên hệ để nắm thông tin về việc Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên – Huế xả thải độc, ông Nguyễn Hoàng Phước – Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh từ chối tiếp xúc. Ông Phước chỉ cho biết đơn vị đã lấy mẫu nước thải của nhà máy trên gửi đi phân tích và đang chờ kết quả. |
Ngày 22.8, UBND xã Phong An đã làm việc với lãnh đạo nhà máy và ông Hồ Bòn về tình trạng hồ nuôi cá và trồng sen của ông Bòn bị thiệt hại bởi nước thải. Tại cuộc làm việc, phía nhà máy nói sẽ hỗ trợ thiệt hại cho ông Bòn 2,4 tấn lúa bằng tiền, sau đó “nếu tiếp tục bị thiệt hại thì ông Bòn tự chịu trách nhiệm, không liên quan đến nhà máy”. Động thái coi thường pháp luật về môi trường này của lãnh đạo nhà máy khiến người dân vô cùng bức xúc.
Đặc biệt, mặc dù vụ đông xuân 2012-2013 của người dân thôn Thượng An thiệt hại nặng nề nhưng đến nay nhà máy không chịu bồi thường thỏa đáng. Cụ thể, nhà máy chỉ bồi thường 139.000 đồng/sào đối với những diện tích lúa bị mất trắng, 97.000 đồng/sào đối với những diện tích bị thiệt hại 50-70% và 59.000 đồng/sào đối với diện tích bị thiệt hại 30-50%. Người dân không chấp nhận mức bồi thường bèo bọt này thì phía nhà máy phớt lờ.
Ông Nguyễn Quang Thông cho rằng, việc Nhà máy Tinh bột sắn vẫn chưa bị xử lý trước những hậu quả nặng nề đã gây ra cho người dân là do được bao che. Theo ông Thông, ngoài sản xuất bị thiệt hại, người dân địa phương đang vô cùng lo lắng trước nguy cơ mắc bệnh tật bởi nguồn nước thải độc hại của nhà máy trên đã ngấm vào mạch nước ngầm trong khu vực.