ThienNhien.Net – Nhu cầu về gỗ, đậu tương, dầu cọ, thịt bò/da và nhiên liệu sinh học đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất rừng và suy thoái rừng ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả để ngăn chặn tình trạng trên, các nước được khuyến cáo tập trung vào loạt giải pháp điều tiết nhu cầu tiêu dùng để thúc đẩy tính hợp pháp, bền vững môi trường và trách nhiệm xã hội của cộng đồng và doanh nghiệp.
Báo cáo mang tên Demand-side interventions to reduce deforestation and forest degradation (Tạm dịch: Điều tiết nhu cầu để giảm mất rừng và suy thoái rừng) của Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) sẽ cho độc giả hiểu rõ hơn về loại giải pháp này.
Bốn cấp độ trong một giải pháp
Giải pháp điều tiết nhu cầu tiêu dùng một số sản phẩm có ảnh hưởng đến rừng thực tế đã được triển khai cách đây đôi chục năm, khởi đầu từ Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu (EU). Việc triển khai được tiến hành trên bốn cấp độ (chính phủ, khu vực công, khối tư nhân và người tiêu dùng) thông qua nhiều hình thức khác nhau từ pháp luật, chính sách, hệ thống chứng nhận tự nguyện đến các chiến dịch tiêu dùng…
Không trực tiếp củng cố, cải thiện công tác quản trị rừng, song những giải pháp này lại tác động gián tiếp tới nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó góp phần hạn chế việc thu hoạch, sản xuất hay buôn bán các sản phẩm gây hại tới rừng và trong một chừng mực nhất định cũng có tác dụng hỗ trợ hoặc tạo động lực thúc đẩy cải cách quản trị rừng.
Trong bối cảnh các nước chưa tìm ra phương hướng hiệu quả hơn để bảo vệ rừng, trong khi thương mại ngày càng phát triển, cùng lúc vai trò của các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ đa quốc gia ngày càng cao, việc đầu tư nghiêm túc vào giải pháp điều tiết nhu cầu được đánh giá là khả thi và cần thiết đẩy mạnh.
Ở cấp độ chính phủ, những can thiệp nhu cầu tồn tại dưới hình thức chính sách, văn bản luật nhằm tạo ra một hiệp định ràng buộc về mặt pháp lý giữa các nước và ngay trong một nước, có khả năng điều chỉnh trực tiếp hoạt động buôn bán lâm sản hợp pháp cũng như các sản phẩm khác gây nguy hại đến rừng.
Đạo luật Lacey của Mỹ, Đạo luật cấm gỗ khai thác trái phép của Úc và Quy chế về gỗ của EU quy định gỗ và lâm sản xuất sang các nước này phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ là những ví dụ điển hình cho giải pháp điều tiết ở cấp độ chính phủ.
Khu vực công cũng đón nhận nhiều giải pháp điều tiết liên quan tới gỗ và nhiên liệu sinh học, trong đó phải kể đến Kế hoạch hành động thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT) với một trong những nội dung quan trọng cần nhấn mạnh là Hiệp định song phương giữa EU với các quốc gia xuất khẩu gỗ vào thị trường này (VPA) và Chỉ thị năng lượng tái tạo (RED) cũng của EU.
Hai công cụ trên mặc dù đóng vai trò lôi kéo sự tham gia của khu vực công ở cả trong và ngoài Liên minh, tiến tới xây dựng một môi trường tài chính vững mạnh cho đầu tư và các quyết định kinh doanh, nhưng vì còn mới, thêm nữa tiến trình đàm phán, thực thi kéo dài nên chưa thể hỗ trợ ngay và có tác dụng trên diện rộng đối với mục tiêu cứu rừng.
Khối tư nhân có cơ hội áp dụng những giải pháp trên cả năm sản phẩm chính gây nguy hại tới rừng là gỗ, đậu tương, dầu cọ, thịt bò/da và nhiên liệu sinh học.
Loạt giải pháp này bao gồm những tiêu chuẩn bền vững do các bên đưa ra, việc xanh hóa chuỗi cung ứng từ nguồn, nỗ lực rút ngắn chuỗi cung ứng sản phẩm, các sáng kiến công khai tự nguyện những thông tin liên quan đến chuỗi cung ứng, cải thiện hiệu suất hoạt động và hiệu quả của các hội nghị cũng như các hệ thống thương mại.
Sau cùng là bộ giải pháp nhắm vào chính người tiêu dùng nhằm thay đổi tâm lý, thị hiếu, nhu cầu của họ đối với hàng hóa thông qua những chiến dịch nâng cao nhận thức, kêu gọi người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường; qua hoạt động tẩy chay sản phẩm hoặc nhãn hiệu gây nguy hại đến rừng; hoặc thông qua các phương tiện truyền thông xã hội như kênh Facebook, Youtube hay Twitter… để cộng hưởng tiếng nói chung của cộng đồng trong việc tiêu thụ các sản phẩm gây nguy hại đến rừng, đồng thời tạo sức ép lên các doanh nghiệp, buộc họ phải sản xuất các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.
Thách thực thực thi
Tuy được đặt nhiều kỳ vọng nhưng mức độ thành công của các giải pháp điều tiết nhu cầu còn phụ thuộc nhiều vào phạm vi và cơ chế xử lý hàng hóa trái phép, chi phí, bản chất của chuỗi cung ứng và khả năng phát sinh nhu cầu từ thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về các sản phẩm dạng này đang không ngừng tăng như hiện nay.
Các giải pháp trên cũng sẽ thất bại nếu không kết hợp với các sáng kiến điều tiết nguồn cung.
Do đa phần là những chiến lược dài hơi, phải trải qua nhiều quy trình như thẩm định, đàm phán, ký kết, thực thi… nên thường phải mất nhiều năm, các giải pháp điều tiết nhu cầu mới đi vào thực tiễn. Ngay cả khi đã đi vào thực thi, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ thì cũng khó tránh khỏi những kẽ hở.
Một thách thức nữa có thể gặp là nhiều thị trường chưa sẵn sàng trả thêm khoản chi phí cho việc bổ sung các tiêu chuẩn xã hội và môi trường vào quy trình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Vậy nên trước khi thị trường “hào phóng” hơn, các nhà sản xuất chỉ còn cách nỗ lực tiết giảm chi phí không cần thiết, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và tăng hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thân thiện mà không bị sụt giảm doanh thu.
Chưa hết, việc tập trung vào những khu vực sản xuất hay thị trường cụ thể dễ tạo kẽ hở cho những khu vực khác, dẫn tới hoàn cảnh trớ trêu là rừng ở khu vực này được cứu nhưng ở khu vực kia lại mất. Do đó, các giải pháp điều tiết nên được nhân rộng trên toàn thế giới, song vẫn cần tập trung vào những thị trường trọng điểm với sức mua khổng lồ như châu Á chẳng hạn, có thế mới mong nhanh chóng hạn chế được tình trạng mất rừng và suy thoái rừng.
Ngoài ra, những rào cản về mặt ngôn ngữ, văn hóa và đội ngũ nhân lực trong quá trình thực thi loại giải pháp này cũng đòi hỏi phải được hóa giải nếu muốn chúng sớm được áp dụng thành công.