ThienNhien.Net – Tiến sĩ Lê Văn Tri (Công ty cổ phần công nghệ sinh học) và các cộng sự đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất chế phẩm Fito-Biomix RR xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ cho cây trồng nhằm bảo vệ môi trường.
Chế phẩm nói trên bao gồm các chủng vi sinh vật phân giải hữu cơ, vi sinh vật kháng bệnh cho cây trồng, các nguyên tố khoáng, vi lượng… Tính mới của kết quả nghiên cứu là lần đầu các nhà khoa học đã phân lập, phân loại và tổ hợp được khu hệ vi sinh vật có khả năng phân hủy được rơm rạ nhanh ngay tại ruộng thành phân bón hữu cơ vi sinh, trên nguyên lý nuôi cấy môi trường xốp; các nhà khoa học đã thiết kế thiết bị lên men môi trường xốp để thu nhận chế phẩm Fito-Biomix RR. Theo TS Lê Văn Tri, nếu 50% số rơm rạ trong cả nước được ủ bằng chế phẩm nói trên để làm phân hữu cơ sẽ thu lợi nhuận đạt khoảng 5.300 tỷ đồng/năm. Ðề tài nghiên cứu nói trên đã đoạt giải nhất giải VIFOTEC năm 2012, lĩnh vực bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên và nhận giải thưởng WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới.
Chọn tạo gà lông mầu hướng trứng và thịt năng suất cao
Tiến sĩ Phùng Ðức Tiến và các cộng sự (Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương) đã nghiên cứu, chọn tạo và phát triển thành công một số dòng gà lông mầu hướng trứng và thịt năng suất, chất lượng cao. Các nhà khoa học đã vận dụng sáng tạo các thành tựu khoa học của thế giới, giảm thời gian chọn tạo dòng mới từ 10 đến 15 năm xuống còn hơn ba năm. Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất, thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta phát triển; làm lợi cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 146 nghìn lao động.
Xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt và thu hồi nhiệt
Cử nhân Nguyễn Phúc Thành và các cộng sự của Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ, hệ thống thiết bị xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt. Ðây là công nghệ lần đầu được thực hiện tại Việt Nam. Công nghệ sử dụng các thiết bị cắt rác cồng kềnh; thu hồi nhiệt từ khí thải để sấy rác và sấy nóng không khí cấp cho lò đốt. Công nghệ đạt trình độ tiên tiến, phát triển được ở quy mô công nghiệp với các mô-đun theo từng nhóm công suất 150-300 tấn hoặc 250-500 tấn; tính sáng tạo của công nghệ nói trên là: Thực hiện việc loại bỏ các thành phần rác không cháy, tăng nhiệt trị của rác trước khi đem vào đốt; sử dụng phương pháp sấy gia nhiệt, sử dụng nhiệt tận thu từ khí thải của lò đốt rác để giảm độ ẩm và tăng nhiệt trị cho rác.