ThienNhien.Net – Thủy điện Thượng Kon Tum (TKT) được xây dựng đầu nguồn sông Đắk Snghé sẽ lấy đi hơn 382ha rừng phòng hộ của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Mặc dù chưa được Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng đặc dụng, nhưng chủ đầu tư thủy điện TKT vẫn thi công xây dựng.
“Tiền trảm, hậu tấu!”
Nhà máy thủy điện TKT có công suất 220MW, do Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Bình Định) làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 27-9-2009 với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, được xây dựng theo phương án chuyển nước sang lưu vực sông Trà Khúc. Cụm công trình đầu mối và hồ chứa (diện tích khoảng 374km²) nằm trên địa bàn các xã Măng Cành, Đắk Tăng (huyện Kon Plông) và Đắk Kôi (huyện Kon Rẫy), còn nhà máy đặt trong đường hầm dẫn nước dài khoảng 25km đi qua núi ở xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông) của tỉnh Kon Tum. Tổng diện tích đất đai chiếm dụng để xây dựng thủy điện này khoảng 782ha, trong đó có 414 đất rừng tự nhiên và 135ha đất sản xuất nông nghiệp thu hồi của 154 hộ dân trong vùng.
Mặc dù chưa được đồng ý chuyển đổi hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn, nhưng chủ đầu tư thủy điện TKT vẫn thi công xây dựng. Theo ông Nguyễn Thúc Chân, Phó Ban Quan lý dự án thủy điện Thượng Kon Tum, hiện công trình đã thi công được khoảng 15%, dự kiến sẽ tích nước và phát điện vào năm 2015. Sau một thời gian dài thi công, hiện chủ đầu tư mới bắt đầu lo chuyển đổi rừng phòng hộ đầu nguồn cho công trình này. Để hợp thức hóa việc chuyển đổi rừng cho công trình, ngày 4-10-2012, UBND tỉnh Kon Tum có công văn 1793/UBND-KTN gửi Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT xin chuyển 68,76ha đất lúa nước và 382,29ha rừng phòng hộ đầu nguồn để làm thủy điện TKT.
Nhưng theo công văn trả lời ngày 4-12-2012 của Bộ NN-PTNT, việc chuyển đổi đất lúa nước được thực hiện theo Nghị định số 42 ra ngày 11-5-2012 của Chính phủ và tỉnh phải có phương án bù đắp diện tích đất lúa chuyển đổi. Còn việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn trên 50ha phải báo cáo Quốc hội (theo Nghị quyết số 49 ra ngày 19-6-2010 của Quốc hội). Nhưng ông Nguyễn Thúc Chân lại nói rằng vì công trình chưa tích nước nên rừng chưa bị ngập, vì thế đơn vị vừa xây dựng vừa chờ việc chuyển đổi rừng phòng hộ cũng được?
Ảnh hưởng tiêu cực
Nhà máy thủy điện TKT nằm trên thượng nguồn sông Đắk Snghé, đây là công trình thủy điện cuối cùng trên bậc thang năng lượng của sông Sê San. Sông Đắk Snghé chảy từ độ cao 1.780m, băng qua dãy núi Đắk Khích và Đắk Chun rồi đổ về sông Đắk Bla. Nhưng thay vì nhận nước từ sông Đắk Snghé và đổ về hạ lưu, nhà máy thủy điện TKT sẽ đổ nước về sông Trà Khúc với tần suất 11,89m3/giây. Như vậy, sông Đắk Snghé sẽ thường xuyên khô cạn và không còn nước cung cấp cho sông Đắk Bla, một trong 3 chi lưu lớn của sông Sê San.
Theo ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Kon Tum, việc chuyển nước từ nhà máy thủy điện TKT sang sông Trà Khúc sẽ tác động tiêu cực đến tính đa dạng sinh học và sinh kế vùng hạ lưu sông khi khoảng 40km từ đập thủy điện đến đoạn hợp lưu với sông Đắk Bla bị cạn khô nước. Trên đoạn sông này không có suối lớn mà chỉ có các con suối nhỏ nên thường cạn kiệt vào mùa khô và không đủ cấp nước cho sông Đắk Snghé. Khi hình thành hồ chứa, đoạn sông này sẽ không được cấp nước và nguy cơ trở thành “sông chết”. Từ đó, hàng ngàn người dân của 25 xã, phường ở huyện Kon Plông, Kon Rẫy và TP Kon Tum sẽ bị ảnh hưởng đến sinh kế do nguồn lợi thủy sản suy giảm, sạt lở đất sản xuất… Thực tế ở các dự án thủy điện ở Tây Nguyên cho thấy, chỉ trừ những đợt có mưa lớn dài ngày mới có nước chảy qua tràn, thời gian còn lại nếu chuyển nước hoàn toàn sang lưu vực khác sẽ làm cạn kiệt nước ở hạ lưu đập hồ chứa.
Nơi xây dựng thủy điện TKT cũng là vùng có tiềm năng về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của quần thể rừng Kon Plông, trong đó khu vực lòng hồ có độ che phủ rừng cao nhất cả nước (85%). Vì thế, việc xây dựng thủy điện TKT tại đây sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với khả năng phòng hộ, điều tiết nước cho hệ thống sông Sê San và các sông suối phía Đông Trường Sơn, cũng như tiềm năng du lịch sinh thái trên cao nguyên Măng Đen.
Yêu cầu tỉnh báo cáo về dự án thủy điện Thượng Kon Tum
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum báo cáo về việc chuyển đổi mục đích sử dụng 382,29ha rừng phòng hộ đầu nguồn để xây dựng dự án thủy điện TKT. Theo đó, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT chỉ đạo chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh) và chính quyền địa phương các cấp thực hiện bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa báo cáo. Mặt khác, từ đó đến nay một số quy định liên quan đến việc thực hiện dự án đã thay đổi (theo Nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội thì các dự án chuyển đổi 50ha rừng phòng hộ trở lên phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định – PV). Do vậy, Bộ NN-PTNT yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum báo cáo tình hình thực hiện sự chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng, phương án trồng rừng thay thế, tình hình triển khai dự án kể từ khi được cho phép đầu tư đến nay. Trên cơ sở đó, để Bộ NN-PTNT tổng hợp, báo cáo Văn phòng Chính phủ. |
Công Hoan
Không ủng hộ xây dựng thủy điện trong khu vực vườn quốc gia
Ngày 12-9, xung quanh việc xây dựng nhà máy thủy điện Đrang Phốk (công suất 28 MW) nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ thủy điện, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cho biết, ông không nắm chi tiết về dự án này nhưng về quan điểm cá nhân, ông không ủng hộ việc xây dựng nhà máy thủy điện trong khu vực vườn quốc gia.
Cũng theo ông Quân, với những dự án thủy điện có quy mô nhỏ (công suất dưới 30 MW) việc cấp phép sẽ do địa phương trên cơ sở thỏa thuận quy hoạch với Bộ Công thương. Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư 43 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình điện có hiệu lực từ đầu năm nay, thì cơ quan lập quy hoạch (Tổng cục Năng lượng lập quy hoạch thủy điện công suất trên 30 MW và quy hoạch thủy điện tích năng, UBND tỉnh lập quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn) phải trình Bộ Công thương xem xét, phê duyệt quy hoạch.
Dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh, nếu có những quan điểm khác nhau của các cơ quan chuyên môn thì tỉnh sẽ đóng vai trò trọng tài, quyết định. Với một dự án thủy điện mà ảnh hưởng đến mất diện tích đất rừng, nhất là vườn quốc gia thì cần phải xem xét kỹ về thẩm quyền cấp đất, dự án đầu tư, mức độ ảnh hưởng… “Với dự án thủy điện mà nằm trong khu vực vườn quốc gia, nếu dư luận có phản ứng thì cũng cần phải xem xét lại quy hoạch đó”, ông Quân nói.
Dự án thủy điện Đrang Phốk chiếm 295,4 ha đất của Vườn quốc gia Yok Đôn, trong đó đất rừng phải chuyển đổi là 28,88ha và đến nay đã chậm tiến độ 14 tháng.
Hà My