ThienNhien.Net – Lâu nay, tài nguyên đất nước ta vẫn bị đào bới, vơ vét một cách khốc liệt, phớt lờ phân tích, cảnh báo của các vị lão thành cách mạng, trí thức và người dân. Trong số các hoạt động khai phá tài nguyên nhân danh phát triển ấy, thủy điện là một trong những thủ phạm đang khiến nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, tài nguyên nước của chúng ta bị khai thác kiệt quệ.
Thủy điện chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu nguồn điện
Một chuyên gia nước ngoài sống ở Việt Nam trên 30 năm nay đã xót xa nhận xét: “Từ thời thanh niên, tôi đã có mặt ở Việt Nam, biết đất nước các bạn có nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên đẹp. Đến nay đã lớn tuổi tôi rất “sợ” quay lại những nơi đó vì những vẻ đẹp đó bị phá gần hết rồi – đó là một cảm giác phũ phàng như bỗng dưng một ngày gặp lại cô bạn gái xinh tươi năm xưa trong thân hình tiều tụy của một bà già bất hạnh do sự tàn phá của thời gian và gánh nặng cuộc đời.” |
Nếu nghĩ sâu xa thì việc loạn thủy điện, phá rừng là do sai lầm từ bài toán cơ cấu nguồn điện năng, dẫn đến phát triển quá mức nguồn lực thủy điện. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tư cách là tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng các tổng sơ đồ phát triển điện, đã quá tập trung vào việc phát triển thủy điện, đưa tỷ trọng thủy điện lên mức cao hơn mức hợp lý mà thế giới đã xác định.
Có thể nguyên nhân chủ yếu là để giảm giá thành bình quân của nguồn điện năng và lấy giá đó làm căn cứ để tính giá bán điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, do quá tập trung vào nguồn thủy điện nên khi mùa khô đến các hồ thủy điện bị khô cạn không đủ sức đáp ứng nhu cầu điện năng của nền kinh tế vì nguồn điện năng khác (chủ yếu là nhiệt điện) quá thấp, không đủ bù sự thiếu hụt do giảm nguồn phát của thủy điện.
Do các nguồn điện của EVN không đủ để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nên buộc EVN phải mua điện của các nhà máy ngoài tập đoàn. Khi mua, EVN áp đặt giá thành bình quân thấp của nguồn điện EVN (do tỷ trọng thủy điện quá cao) để ép các nhà máy phải hạ giá bán nhưng vì cung của EVN nhỏ hơn cầu nên cuối cùng EVN vẫn phải mua điện ngoài lưới của EVN với giá cao hơn giá bình quân của EVN dẫn đến việc EVN kêu lỗ để đòi tăng giá điện bán cho nền kinh tế.
Cũng vì thiếu nguồn cung, EVN phải chấp nhận cho các chủ đầu tư khác đầu tư phát triển các nhà máy điện, chủ yếu là nhiệt điện. Đồng thời, các chủ đầu tư khác cũng được phép phát triển thủy điện, chủ yếu là thủy điện nhỏ do các các địa phương chủ động cấp giấy phép đầu tư.
Thủy điện nhỏ mà tác động không nhỏ
Thủy điện nhỏ mang lại các lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp đầu tư: Giá thành điện thấp do không phải trả tiền thuế tài nguyên, do đền bù không đáng kể và nhu cầu về điện ngày một tăng và giá bán điện ngày một cao. Đấy là chưa kể đến việc có điều kiện để hợp thức hóa việc đốn gỗ rừng tự nhiên đầu nguồn rất có giá trị.
Tuy nhiên, không ít dự án thủy điện nhỏ gặp khó khăn về nguồn nước. Khi vào mùa khô nhu cầu về điện cao, có thể bán được điện thì các trạm thủy điện nhỏ này không có nước nên không có điện mà bán. Ngược lại, về mùa mưa có thể sản xuất điện để bán nhưng EVN lại ưu tiên mua điện từ các doanh nghiệp nằm trong tập đoàn.
Về phía người dân bản địa, thủy điện nhỏ làm họ mất nhà, mất đất sản xuất, mất nguồn thu từ rừng. Đối với người dân ở cuối nguồn: có điện để sử dụng nhưng ảnh hưởng tiêu cực là rừng đầu nguồn bị phá nên dễ bị lũ ống, lũ quét tàn phá ảnh hưởng đến an toàn về người, của cải và hoa màu; động vật hoang dã mất nơi cư trú và dần tuyệt chủng.
Hiện nay, khi lãnh đạo Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin đang phản đối việc xây dựng nhà máy thủy điện Ea K’tuor ở phía bắc của vườn thì Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đang gấp rút hoàn tất thủ tục để xây nhà máy thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3, cũng tại vùng lõi của Vườn thuộc ranh giới hai tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng.
Trong khi đó, ngay từ năm 2006-2008 Công ty Sông Đà đã đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Krông Kmar trong vùng lõi VQG Chư Yang Sin với công suất 12MW. Khi xây dựng đã làm đường thi công, vận hành, hồ chứa, làm mất đi một diện tích rừng khá lớn. Ngay sau khi vận hành đã gây ra tranh chấp nguồn nước với công trình thuỷ lợi Krông Kmar phía hạ lưu. Sự tranh chấp này là do thuỷ điện tích nước cả ngày sau đó vận hành vào giờ cao điểm dẫn đến nước chảy hết qua tràn công trình thuỷ lợi, nước vào kênh chỉ 2-3 giờ dẫn đến thiếu nước tưới cho các xã Hoà Sơn, Ea Trul, Thị trấn Krông Kmar, Khuê Ngọc Điền… của Đắc Lăk.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh tạm dừng xây mới các dự án thủy điện ở Tây Nguyên trong năm 2013 và 2014 do có tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống. Tuy nhiên, hiện các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk vẫn đang khảo sát để xây dựng thủy điện trong VQG Chư Yang Sin.
Dẫu biết rằng mỗi khi chủ đầu tư chạy được giấy phép xây dựng công trình thủy điện phải qua nhiều cửa, phải “bôi trơn” tốn kém nhưng luật pháp phải tôn nghiêm, không thể có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, trên nói, dưới không nghe!
Hiện tượng làm thủy điện tràn lan xâm phạm cả vào vườn quốc gia vi phạm luật pháp đang xảy ra như một sự thách đố, đòi hỏi phải được mổ xẻ đến nơi đến chốn để tìm giải pháp đảm bảo hài hòa cơ bản, lâu dài các mối quan hệ và quyền lợi trong một xã hội dân sự và sự phát triển vững bền của đất nước.