ThienNhien.Net – Theo Định hướng cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Bộ Tài nguyên Môi trường, đến năm 2020, ĐBSCL cần 3,5-4 triệu m3/ngày. Trong đó, nước cho sinh hoạt cần 2,8-3 triệu m3/ngày và nước cho công nghiệp là 0,7-1 triệu m3/ngày.
Tại Hội thảo “Phòng chống thiên tai Nhật – Việt”, do Bộ Xây dựng và Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/9, ông Võ Chí Toàn, Cục phó Cục phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, ĐBSCL hiện có hơn 100 đô thị, 20 khu công nghiệp (KCN) với 3.880 ha, trong đó có 55 đô thị trong vùng ngập lũ.
Hiện nay, vùng hạ lưu sông Mekong ngập lũ hàng năm từ 3-6 tháng, trên 50% diện tích và dân số vùng. Bên cạnh đó, nền đất yếu lại bị chia cắt giữa sông rạch dày đặc và nguồn nước mặt, nước ngầm bị mặn và phèn. Chính vì vậy, biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc cung cấp nước cho vùng ĐBSCL và tác động đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của cả vùng.
Bên cạnh các giải pháp mà hiện nay ĐBSCL đang triển khai như áp dụng công nghệ mới trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo… thì việc phát triển các nguồn nước mới nhằm tăng công suất cung cấp nước cho vùng ĐBSCL đang là giải pháp hiệu quả.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Cục phó Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, các giải pháp cấp nước cho khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục triển khai theo hướng xây dựng các nhà máy nước của vùng. Theo đó, xây dựng 3 nhà máy nước trên sông Hậu với tổng công suất 1,9-3,5 triệu m3/ngày; xây dựng 3 nhà máy nước trên sông Tiền với công suất 0,2- 1 triệu m3/ngày. Mục tiêu đặt ra đến năm 2015 sẽ cấp nước sạch cho 80-85% dân số và 80% các KCN ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó, cần xây dựng mạng lưới chuyển tải cấp vùng dọc theo các trục quốc lộ truyền dẫn đến các tỉnh; tái cấu trúc hệ thống cấp nước đô thị KCN; tiếp nhận nguồn nước từ mạng lưới cấp vùng và rà soát đóng cửa các trạm cấp nước kém hiệu quả.