ThienNhien.Net – Chiều 11/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về nội dung dự thảo hai Chương trình hành động về vấn đề biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đây là các chương trình lớn của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao xây dựng các dự thảo có tính cấp thiết này.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã rà soát, cho ý kiến từng vấn đề trong các dự thảo, đặc biệt là các nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể trong các Chương trình; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến để sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành triển khai trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng lưu ý một số nội dung, trong đó có vấn đề tính toán, cân đối các nguồn lực thực tế để đảm bảo khả thi, trọng tâm các mục tiêu, dự án trong các Chương trình hành động. Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ vấn đề vốn thực hiện, các nội dung có thể trùng lắp với các công việc các bộ, ngành đang triển khai hiện nay.
Theo tờ trình, dự thảo Chương trình hành động về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện, xử lý những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong lĩnh vực đất đai.
Trước hết là vấn đề quản lý nhà nước trong các khâu quy hoạch, cơ chế thực hiện quyền định đoạt trong vai trò đại diện chủ sở hữu đất đai, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; phát huy được nguồn lực đất đai trong phát triển, đơn giản và thuận lợi hóa trong thủ tục hành chính về đất đai; phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bất động sản.
Dự thảo đề ra 8 chương trình và 19 nhiệm vụ, đề án cần triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian tới.
Dự thảo Chương trình hành động về vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), tài nguyên, môi trường khẳng định, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của Chính phủ trong lĩnh vực sẽ có mục tiêu chung nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia, bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Có thời hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, Chương trình sẽ là căn cứ để các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá các nội dung lớn như tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hoàn thiện đổi mới chính sách, pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý, đổi mới cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất danh mục gồm khoảng 25 chương trình, dự án mới để triển khai khi Chương trình được phê duyệt.