Thượng nguồn tích nước, hạ nguồn… khan!

ThienNhien.Net – Cuộc tranh giành nguồn nước gay gắt giữa thủy điện Đăk Mi 4 với TP. Đà Nẵng lộ rõ lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

Đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên? 

Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là một trong những lưu vực sông lớn nhất ở miền Trung, được nối thông với nhau bằng sông Quảng Huế. Theo đó, một phần nước của sông Vu Gia được chuyển sang dòng Thu Bồn qua sông Quảng Huế.

Năm 2000, một trận lũ lớn xé toạc làng mạc, tạo ra một dòng chảy mới nối sông Vu Gia với Thu Bồn, gọi là sông Quảng Huế mới và xóa sổ dòng Quảng Huế cũ. Con sông Quảng Huế mới chảy theo tuyến thẳng lại ngắn đã làm tăng lưu lượng nước chuyển từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn.

Thế là, khu vực hạ lưu sông Vu Gia bị xâm nhập mặn và thiếu nước đáng kể cho sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, như bao đời nay, hàng vạn hộ dân hạ lưu sông Vu Gia vẫn sống “khỏe” nhờ vào con nước và nguồn lợi thủy sản mà dòng sông hiền hòa này mang lại, với nghề câu cá, thả chài buông lưới…

Thế nhưng, kể từ tháng 5/2012, khi Công trình Thủy điện Đăk Mi 4 nằm trên lưu vực sông này chính thức đi vào vận hành, chuyển nước một cách phi tự nhiên từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện, nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du lưu sông Vu Gia trở nên thiếu trầm trọng.

Nguồn nước có ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống con người. Thế nhưng, trong những năm gần đây, vùng hạ du lưu vực sông ngày càng suy kiệt nguồn nước, không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất. Tình trạng này diễn ra trên phạm vi rộng và ngày một nghiêm trọng hơn. An ninh về nước cho đời sống và phát triển kinh tế bền vững đang bị đe dọa. Tranh giành nước cho thủy điện và các nhu cầu khác đã xảy ra gay gắt, nhất là vào mùa khô. Có nhiều lý do dẫn đến hiện trạng này. Nhưng con người là “thủ phạm” chính của tình trạng khan hiếm nước.

Dọc Quốc lộ 14 B, đường Hồ Chí Minh, dễ dàng nhận thấy nhiều đoạn sông Vu Gia trơ đáy, đất đá lởm chởm, cây cối ven sông cháy xác xơ. Ông Nguyễn Đăng Ngọc, thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nuối tiếc, hình ảnh con sông dạt dào nguồn nước tưởng như bất tận, nặng phù sa và ăm ắp cá tôm mà ông đã quen từ tấm bé, nay đã lùi vào dĩ vãng: “Quanh năm, suốt tháng, chúng tôi đi mua nước về uống và cho các sinh hoạt khác. Dòng sông này bây giờ chịu rồi. Ngày xưa, tắm mát quanh năm ở dòng sông này”.

Đỉnh điểm là vào cuối tháng 3/2013, TP. Đà Nẵng hứng chịu đợt thiếu nước sinh hoạt nặng nề nhất trong vòng 40 năm qua. Nguồn nước sông tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp tới 95% lượng nước sinh hoạt cho người dân thành phố này, bị nhiễm mặn liên tục trong 3 tháng. Đây là sự việc bất thường, khác hẳn với quy luật hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 8, nhiễm mặn diễn ra trong vài đợt, chỉ từ 3 đến 5 ngày.

Thiếu nước, Nhà máy nước Cầu Đỏ buộc phải bơm nước từ trạm bơm dự phòng An Trạch, cách xa 8 km về ứng cứu, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của gần 1 triệu dân thành phố.

Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty cấp nước Đà Nẵng, cho biết, đây là biện pháp tình thế; vì việc lấy nước từ An Trạch vừa tốn hàng tỷ đồng mỗi tháng, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố do trạm này là phòng mặn chứ không phải trạm cấp nước: “Chúng tôi phải bơm liên tục nước từ trạm bơm An Trạch về cấp cho hai nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay. Khi sử dụng như vậy, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến cấp nước thành phố. Nếu tác động bình thường của tự nhiên, thiên tai địch họa, người dân thành phố cũng như Công ty cấp nước sẵn sàng chia sẻ nhưng do đây là tác động của con người”.

TP. Đà Nẵng đã nhiều lần gửi văn bản tới các bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường đề nghị giải quyết tình trạng thiếu nước ở hạ du sông Vu Gia vì Đăk Mi 4 chuyển nước. Bộ Công Thương đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, yêu cầu thủy điện này phải thiết kế cống xả tại đập có khả năng xả 25 m3 nước/giây trở lại sông Vu Gia.

Tuy nhiên, thời gian qua, Đăk Mi 4 chỉ xả nhỏ giọt về Vu Gia. Thậm chí, trong tháng 3 và đầu tháng 4 vừa rồi, trong khi TP. Đà Nẵng khổ sở với việc thiếu nước ngọt nghiêm trọng thì thủy điện này vẫn phớt lờ, không xả về Vu Gia nữa mà dồn nước về Thu Bồn.

Thân đập thủy điện Đắk Mi 4 (Ảnh: Hoài Nam/VOV online)
Thân đập thủy điện Đắk Mi 4 (Ảnh: Hoài Nam/VOV online)

Vì sao Đăk Mi 4 không thực hiện việc xả nước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải? Ông Võ Tấn Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4, lý giải, 25 m3/giây chỉ là yêu cầu về thiết kế khả năng xả của đập. Còn Đăk Mi 4 phải xả nước trả lại sông Vu Gia với lưu lượng bao nhiêu còn phải chờ… quy trình vận hành liên hồ chứa vào mùa kiệt!

“Quy trình vận hành liên hồ chứa vẫn chưa ban hành. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo xong, đã lấy ý kiến của các địa phương và bộ, ngành liên quan. Trong lúc này, chúng tôi xả nước, phát điện theo đúng quy định của tỉnh Quảng Nam với lưu lượng 50 m3/s, còn xả về phía sông Vu Gia thì chưa xả” – ông Dũng khẳng định.

Vin vào lý do chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để không xả nước về hạ du sông Vu Gia là cái cớ pháp lý không thuyết phục. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, cho rằng Đăk Mi 4 đã thiếu trách nhiệm với người dân vùng hạ du: “Đăk Mi 4 trả lời như vậy thì xây dựng cái cống xả nước về lại cho hạ du sông để làm gì? Xây để đối phó dư luận thôi à, không cần xả nước về lại à? Tôi đề nghị Đăk Mi 4 có sự phối hợp. Không có lý do gì để thủy điện Đăk Mi 4 không chịu trả nước về!”

Tìm mọi cách để tối đa hóa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, Đăk Mi 4 đã đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi người dân. Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, một trong những chuyên gia hàng đầu về thủy lợi ở miền Trung, khẳng định, điều này là không thể chấp nhận được!

“Ngay việc không trả lại dòng cơ bản, dòng chảy môi trường về sông Vu Gia đã là không chấp nhận được. Những công trình ở phía thượng nguồn không chỉ phục vụ lợi ích riêng mà phải đa lợi ích. Thậm chí, anh không phát điện, phải cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất ở phía hạ du. Ví dụ như hồ Hòa Bình, khi hạn hán, người ta xả nước và còn thông báo cho hạ du để chuẩn bị đón nước. Phải đa mục đích như vậy, chứ không phải chỉ khư khư là tôi làm thủy điện. Thủy điện phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế đơn thuần của đơn vị.”

Lỗi của Nhà nước…

Thực tế cho thấy, ngay từ khâu quy hoạch, Đăk Mi 4 đã thiếu quan tâm đến lượng nước trả về hạ du, sử dụng hầu hết dòng chảy mùa kiệt của Đăk Mi về Vu Gia để phát điện. Lẽ ra, khi xây dựng Đăk Mi 4, nhu cầu nước ở hạ du phải được tính toán cụ thể để có phương án trả lại, đảm bảo cho đời sống dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội và cho đời sống bình thường của dòng sông.

Chỉ sau khi trả đủ nước về hạ du, lượng nước còn dư, cùng với lượng nước tích trữ từ các đợt lũ mới được phép chuyển đi lưu vực sông khác để phát điện. Tuy nhiên, muốn làm điều này thì dung tích hồ chứa phải lớn hơn, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải chịu nhiều tốn kém hơn.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thắng, Trường Đại học Thủy lợi, với dung tích như hiện nay, nếu buộc trả lại dòng chảy tự nhiên thì Đăk Mi 4 không nên xây dựng: “Thủy điện Đăk Mi 4, theo quan điểm của tôi, nếu bắt xả trả lại đúng lượng nước người dân cần dùng như dòng chảy tự nhiên thì sẽ không còn nước để chuyển với dung tích như bây giờ và công trình đó sẽ không hiệu quả và không nên xây dựng.

Ngành điện chỉ nên xây dựng thủy điện này khi có nguồn vốn lớn hơn để xây dựng công trình cao hơn, trữ thêm lượng nước, vì lượng nước trong mùa lũ có, nhưng phải đầu tư tiền, chuyển lượng nước đó đi để phát điện mà vẫn thấy hiệu quả. Nhưng bây giờ, công trình đã xây dựng rồi, cho nên phải cố gắng điều hòa giữa các bên, cố gắng trả lại khoảng 25 m3/giây. Khối lượng này thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của hạ du. Mặc dù vậy, ngành điện vẫn không đảm bảo được.”

Đăk Mi 4 không phải là công trình thủy điện có thể khai thác đa mục tiêu, vừa đảm bảo phát điện, vừa phục vụ nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du. Nói cách khác, đây là công trình đơn mục tiêu.

Vậy Đăk Mi 4 có thật sự đáng trách hay không? Ông Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng với một đơn vị sản xuất, kinh doanh, việc tối ưu hóa lợi ích là điều dễ hiểu. Đầu tư vào nhà máy phát điện, đương nhiên, việc phát điện là quan trọng nhất.

Ông Hồng nói rõ thêm: “Công trình này đã được cấp trên duyệt, rõ ràng người ta cứ thế thực hiện. Vậy trách nhiệm này, theo tôi, phải quay trở lại là không nên nói nhà máy mà phải là cơ quan đã duyệt công trình này mà duyệt là cơ quan cấp bộ. Không thể bây giờ bắt người ta (Đăk Mi 4-pv) dừng ngay được mà cũng tránh việc cứ để người dân và nhà máy tranh cãi nhau, cũng tránh việc khi người dân kêu nhiều thì bắt nhà máy phải đền. Nếu mà lỗi thì lỗi của Nhà nước. Lỗi của Nhà nước thì Nhà nước phải xử lý, chứ không thể bắt chủ đầu tư”.

Rõ ràng, việc điều phối nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Bà Đỗ Hồng Phấn, chuyên gia về tài nguyên nước, đặt vấn đề: Tại sao các cơ quan chức năng lại cho phép xây dựng Đăk Mi 4, một công trình đơn mục tiêu? “Ăn cây nào rào cây ấy”, chả cứ gì ngành điện. Thế nhưng mà ai duyệt? Tại sao lại duyệt như thế? Cái ấy thuộc về quản lý vĩ mô. Mình trách thủy điện ích kỷ cũng không đúng. Việc san sẻ hay không, điều phối tài nguyên nước như thế nào là việc của người cầm trịch bên trên”.

Cuộc tranh giành nguồn nước gay gắt giữa thủy điện Đăk Mi 4 với TP. Đà Nẵng đã lộ rõ lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.