ThienNhien.Net – Dọc bờ sông Mê Kông tại Lào, những cánh rừng đã bị đốn, núi đã bị bạt để dành chỗ cho con đập đầu tiên trên hạ nguồn dòng chính Mê Kông – Đập thủy điện Xayaburi đang nên hình hài.
Con đập với chi phí 3,5 tỷ USD đang được công ty Ch.Kharnchang của Thái Lan xây dựng với nguồn tài trợ từ bốn ngân hàng lớn nhất của đất nước này. Hơn 90% nguồn điện từ con đập công suất 1.300 MW này sẽ được cung cấp cho Thái Lan.
Chưa hết, sau Xayaburi, tám con đập tiếp theo tại Lào đã được lên kế hoạch xây dựng trên sông Mê Kông, bao gồm cả đập Don Sahong sẽ chặn dòng kênh di cư duy nhất của cá, gần khu vực thác nước Don Khone hùng vĩ tiếp giáp biên giới Campuchia.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) từng cảnh báo rằng thủy điện Xayaburi sẽ góp phần gây nên sự tuyệt chủng của loài cá tra dầu Mê Kông và đẩy nhiều loài cá khác vào nguy cơ tuyệt chủng.
Tác động tích lũy của tất cả những đập thủy điện này lên sự đa dạng sinh học của dòng sông và ngành thủy sản lớn mạnh của toàn lưu vực đã khiến các nhà khoa học, các nhà hoạt động môi trường và chính phủ các nước láng giềng phải lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, Ủy hội sông Mê Kông, tổ chức liên chính phủ chịu trách nhiệm điều phối quản lý dòng sông lại không có quyền ngăn chặn nỗ lực đơn phương này của Lào, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Campuchia và Lào, hai nước thành viên phụ thuộc nhiều vào nguồn cá và phù sa màu mỡ của dòng sông.
Trước khi bắt đầu xây dựng đập vào năm 2012, chính phủ Lào đã thuê công ty năng lượng Poyry của Phần Lan làm nhà tư vấn. Song, chính Poyry sau đó đã dành được một hợp đồng 8 năm để giám sát thiết kế và thi công con đập. Điều này khiến Poyry bị phản đối do có sự xung đột về lợi ích mặc dù công ty này luôn kiên quyết bác bỏ.
Poyry và Công ty Năng lượng Xayaburi, nhà đầu tư Ch.Karrnchang từng khẳng định rằng thiết kế đập của họ đã tích hợp công nghệ cầu thang cá hiện đại để cá có thể di cư từ thượng nguồn xuống hạ nguồn và ngược lại. Công nghệ thực nghiệm này bao gồm một đường đi cho cá, một cầu thang cho cá và một trạm giang chuyển có tuốc bin “thân thiện với cá” đã được thử nghiệm tại Mỹ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2011 so sánh hai dòng sông Nam Mỹ và Mê Kông đã kết luận rằng cần nhiều thập kỷ nghiên cứu mới có thể chắc chắn rằng cầu thang cá đặc biệt kia có thực sự đáp ứng được “nhu cầu” của các loài cá vốn vô cùng đa dạng của sông Mê Kông hay không. Trong khi đó, một nhà quản lý dự án kỳ cựu của Poyry cũng thừa nhận rằng “Cá có vượt qua (đập) được hay không thì các bạn sẽ biết sau khi nó được xây dựng”.
Các quan chức Lào cho biết con đập sẽ chỉ gây hại chút ít tới “sức khỏe” của dòng sông. Tuy nhiên, Jian-Hua Meng, một chuyên gia xây dựng và nhà tư vấn của WWF cho rằng Poyry đang đánh bạc với một công nghệ chưa bao giờ được thử nghiệm trên một dòng sông nhiệt đới. Điều này vô cùng rủi ro: “Họ chơi xổ số với sinh kế của hơn 60 triệu người. Điều này không thể chấp nhận được ở Châu Âu, vậy tại sao ở Châu Á lại khác?”.