Vào vùng trắc “nóng”: Rừng An Toàn không an toàn

ThienNhien.Net – Gỗ trắc được “ăn” mạnh với giá cực sốc không những đã kích thích hoạt động mua bán, mà cây trắc còn là đối tượng chính của lâm tặc chuyên khai thác trái phép. Thậm chí cánh rừng đặc dụng An Toàn (An Lão, Bình Định), nơi nghiêm cấm bất cứ hành vi xâm hại nào cũng không thoát khỏi sự “chăm sóc” của lâm tặc.

Trúng trắc như trúng trầm

Khi chúng tôi có mặt tại địa bàn xã An Toàn là lúc dư luận đang “nóng” câu chuyện một người dân địa phương vừa trúng trắc, bán được mấy trăm triệu đồng. Lần theo dư luận, chúng tôi được biết người vừa khai thác lô gỗ trắc trong khu rừng đặc dụng An Toàn là Đinh Văn Trầm (39 tuổi) ở thôn 1. “Mấy ông muốn gặp thằng Trầm phải đi thật sớm, chứ nó ở trong rừng nhiều hơn ở nhà”, những người dân địa phương mách với chúng tôi.

Sáng sớm tinh mơ, chúng tôi dong xe máy về thôn 1. Thật may mắn, hôm ấy Trầm ở nhà. Đóng vai những ông chủ có cơ sở chế biến đồ gỗ mỹ nghệ đi mua gỗ trắc về làm, chúng tôi đến chỗ Trầm. Dù đã giới thiệu là vậy nhưng khi vào chuyện Trầm vẫn rất cảnh giác. “Nghe nói em vừa trúng cây trắc, tụi tui tìm mua để làm đồ. Khách hàng đòi toàn hàng trắc, kẹt quá!”, tôi vừa ngồi xuống nhà sàn vừa mở đầu câu chuyện. Trầm dò xét: “Sao mấy anh biết tôi trúng trắc mà tìm đến?”. Tôi châm điếu thuốc, nói: “Ối dào, dân làm ăn phải quan hệ rộng, mách thông tin cho nhau liên tục mà”.

Sau khi mời nhau điếu thuốc, dù Trầm đã có vẻ thoải mái hơn nhưng nói chuyện vẫn nhát gừng: “Bán mất cách đây 4-5 bữa rồi”. “Chà, tiếc quá. Không biết ai mua được có còn giữ lại không để tụi tui mua lại?”, tôi hỏi. “Bán cho nhà sát cạnh. Nhưng gỗ đi hết rồi, ai mà dám để trong nhà”, Trầm nói. “Lô gỗ nhiều không?”. “Cây nhỏ mà, được 4-5 miếng lớn, còn toàn khúc nhỏ, bán được ít tiền thôi”. “Nghe nói được nhiều tiền lắm mà”. “Ồ, người ta đồn được mấy trăm triệu nhưng mình chỉ bán được có 80 triệu đồng thôi”. “Người ta mua ký như bọn tui hay mua sô mà ít tiền vậy?”. “Mua sô”. “Sao không để lại đợi giá lên mà bán vội vậy?” “Ồ, mấy người khác thấy mình được trắc gọi điện báo kiểm lâm liền, may mà bán kịp chứ không bây giờ không được đồng nào”…

Lâm tặc ngang nhiên chở cưa lốc vào rừng khai thác gỗ (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Lâm tặc ngang nhiên chở cưa lốc vào rừng khai thác gỗ (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Qua câu chuyện của Trầm, chúng tôi được biết lô gỗ trắc Trầm vừa khai thác nằm ở khu vực Rừng Lót, thuộc rừng đặc dụng An Toàn. Tôi hỏi rừng ở đây còn nhiều trắc không, Trầm trả lời: “Trước đây rừng mình còn nhiều nhưng giờ dân An Lão lên làm hết rồi”.

Những ngày ở xã An Toàn, chúng tôi nhận thấy hoạt động khai thác gỗ trái phép ở đây diễn ra như cơm bữa. Thỉnh thoảng gặp chiếc xe máy từ rừng chạy ra với súc gỗ dày phía sau, chiếc cưa lốc bản to gắn bên hông xe.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết lô gỗ của Trầm bán cho B ở cạnh nhà. Sau đó B bán lại cho ông M, một “tàu kê” (đầu nậu) lớn dân Hoài Ân lên An Lão thu gom hàng với giá 126 triệu đồng. Ông M trả tiền xong, đợi mãi không thấy B đưa gỗ xuống. Khi ông M thắc mắc thì B bảo là kiểm lâm “săn” ráo riết quá, giấu gỗ vào rừng hết rồi. Sau đó B đòi ông M phải trả thêm 20 triệu nữa để “chi phí” mới có thể đưa gỗ ra. Ngậm bồ hòn làm ngọt, ông M đành phải trả thêm 20 triệu để lấy lô gỗ. Thế nhưng khi B giao hàng, ông M kiểm tra lại thì bị thiếu mất 1 súc (cả trăm kg) và 1 số cây nhỏ. Đắng lòng, nhưng ông M phải bấm bụng làm thinh.

Theo L, một “tàu kê” ở An Lão cho biết, gỗ trắc hiện có nhiều giá, tùy theo kích cỡ. Loại được gọi là hàng củi (cành, nhánh, rễ) có giá khoảng 100.000đ/kg; loại hàng thịt có giá tăng cao dần tùy cấp loại. Ví như loại có mặt từ 10-15 cm trở lên giá 200.000đ/kg; loại có mặt 20 cm trở lên, dài 40-60 cm có giá 300.000đ-400.000đ/kg; loại mặt từ 30 cm trở lên, dài 60-70 cm giá hơn 1 triệu đồng/kg. Gỗ trắc ở An Lão ai mua ai bán sau cùng cũng lọt vào tay “tàu kê” lớn là ông M, sau đó được chuyển đi Móng Cái (Quảng Ninh) tiêu thụ. “Kể cả thợ rừng lẫn “tàu kê”, cứ trúng được một lô trắc là kể như trúng trầm”, L bộc bạch.

Gỗ biết tàng hình?

Ngoài chuyện cánh rừng đặc dụng thường xuyên bị lâm tặc săn lùng gỗ trắc, địa bàn xã An Toàn (An Lão) còn luôn phải đối mặt với nạn vận chuyển trái phép gỗ trắc từ làng O2 xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) qua.

Ông Đinh Văn Niên, Chủ tịch UBND xã An Toàn, chia sẻ: “Rừng An Toàn không có gỗ trắc bao nhiêu, chủ yếu bà con đi đào gốc, lâu lâu mới gặp 1 cây. Thế nhưng địa bàn xã rất nóng chuyện vận chuyển gỗ trắc, chủ yếu là do lực lượng mua bán mượn đường An Toàn để qua làng O2 (Vĩnh Thạnh) mua, chuyển về đây. Làng O2 ở Vĩnh Thạnh trước đây được xem là rừng trắc nên từ nhà rông, nhà ở, đến chòi lúa, vật dụng trong gia đình đều làm bằng gỗ trắc. Bây giờ gỗ trắc cao giá, họ tháo ra bán nhiều lắm, “tàu kê” ở An Lão kéo nhau qua bên đó mua. Trách nhiệm của chính quyền địa phương không thể làm ngơ, nhưng lâm tặc bây giờ “đi” khéo lắm. Trước khi vận chuyển gỗ chúng cho cảnh giới dò la trước, khi ngành chức năng dưới huyện lên phối hợp với lực lượng xã tổ chức truy quét thì chúng biết trước, giấu gỗ vào rừng nên khó mà bắt được”.

Gỗ trắc bị thu giữ  (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Gỗ trắc bị thu giữ (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Về lô gỗ trắc do Trầm khai thác trong rừng đặc dụng An Toàn, bán cho B, rồi sang tay cho “tàu kê” M, mới đây, ông Phạm Phương Bắc, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, cho biết: “Hôm nghe tin báo, ngay đêm đó chúng tôi bố trí lực lượng lên tận thôn 2 nằm ém quân, sáng sớm hôm sau hành quân lên thôn 1 mở cuộc truy quét, nhưng không phát hiện được gì. Qua hôm sau, chúng tôi tiếp tục chốt tại trạm An Quang, một mặt đưa quân lên An Toàn tiếp tục truy quét, mãi đến tối thứ Sáu (23/8) mới bắt được 1 bao gỗ dăm. Theo tin báo là lô gỗ trắc này có đến mười mấy cục rất nặng, thế nhưng không biết chúng giấu ở đâu. Qua trưa thứ Bảy (24/8), chúng tôi tiếp tục mở cuộc truy quét nhưng cũng chỉ bắt được 3 bao gỗ trắc loại cây nhỏ được chúng giấu bên suối Tình Cảm, ngay cây số 10, không thấy gỗ lớn”.

Thế nhưng, căn cứ vào thời điểm và hình ảnh chúng tôi chụp được những xe chở gỗ trắc vào chiều thứ Bảy gần Trạm Kiểm lâm An Quang, ông Bắc cho đó chính là lô gỗ được khai thác tại khu rừng đặc dụng An Toàn đang được đưa đi tiêu thụ.

Chúng tôi đặt câu hỏi vì sao lực lượng kiểm lâm truy quét ráo riết là vậy mà không bắt được gì, trong khi vào chiều thứ Bảy (24/8), lâm tặc ngang nhiên chở những súc gỗ trắc to tướng chạy qua Trạm Kiểm lâm An Quang rất thong dong, ông Bắc trả lời: “Đêm thứ Sáu tôi trực ở trạm cả đêm cùng nhiều anh em, đến 2g30 chiều thứ Bảy mới rút về, nhưng tại trạm vẫn còn 2 nhân viên là Nguyễn Thái Sinh và Phạm Quốc Việt ở lại trực”. Thế nhưng ông Bắc không giải thích được vì sao vào chiều thứ Bảy những xe chở gỗ trắc lọt được qua trạm kiểm lâm.

Nhìn lại thực tế, những lô gỗ trắc lớn được vận chuyển từ làng O2 xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) qua An Toàn, gỗ khai thác từ rừng An Toàn trong thời gian qua vẫn ung dung về xuôi, không bị bắt ký “hàng thịt” nào, có chăng chỉ bị bắt loại “hàng củi” có giá trị thấp. Cứ như loài gỗ trắc biết tàng hình? Điều này có lẽ sẽ tạo cho lâm tặc sự tự tin trong các hoạt động phi pháp. Đó cũng là mối đe dọa cho những cánh rừng trên địa bàn nói chung, rừng đặc dụng An Toàn nói riêng. (Hết)

Vận chuyển gần 5 tấn gỗ trắc lậu 

110913_gotrac2

Ngày 9/9, công an tỉnh Quảng Bình cho biết đã phát hiện xe ô tô vận chuyển gỗ trắc với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Lực lượng CSKT và CSGT công an tỉnh Quảng Bình phát hiện xe ô tô mang biển số 77C-00471, do ông Nguyễn Đăng Khánh (trú ở huyện Kbang, Gia Lai) điều khiển lưu thông trên QL 1A (đoạn qua thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh,Quảng Bình) vận chuyển gần 5 tấn gỗ trắc không có giấy tờ hợp pháp.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

T.P