ThienNhien.Net – Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, Trạm Khuyến nông huyện Đại Lộc (Quảng Nam) triển khai mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái tại xã Đại Thạnh, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 800.000 đồng.
Anh Bùi Văn Tuấn, thôn Tây Lễ cho biết: Gia đình có 2 con heo nái đang đẻ, được cán bộ chăn nuôi hướng dẫn làm chuồng sinh thái thấy kết quả rất tốt, heo con mới sinh khoẻ mạnh, tình trạng heo bị tiêu chảy và một số bệnh ngoài da không còn.
Việc xây dựng mô hình bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, do mô hình chăn nuôi này mới chưa được phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, người dân chưa thật sự tin tưởng. Bà con rất ngại nuôi trên đệm lót sẽ nóng, heo nằm trên chất thải sẽ bị bệnh, hoạt động nhiều sẽ chậm lớn. Tuy nhiên sau khi cán bộ kỹ thuật tuyên truyền, triển khai tập huấn, xây dựng mô hình thì nhiều người hiểu và hăng hái tham gia.
Theo đánh giá của người dân xã Đại Thạnh, chăn nuôi heo trên nền đệm lót là dùng chế phẩm sinh học sẽ phân huỷ chất thải làm giảm mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường. Do đó không cần thay phân rửa chuồng trong quá trình nuôi nên giảm nhân công, lượng nước và lượng điện dùng.
Đặc biệt giảm tỷ lệ bệnh; tăng chất lượng đàn heo và chất lượng sản phẩm. Để có được điều đó, đòi hỏi khi xây dựng chuồng trại phải đảm bảo đúng kỹ thuật. Nguyên liệu để làm chuồng đệm lót sinh thái thường là mùn cưa, vỏ bào, vỏ lạc, lõi bắp, trấu… và dung dịch men, hộ chăn nuôi có thể tự mình làm được.
Anh Huỳnh Văn Lịnh ở thôn Tây Lễ cho hay, khi tham gia mô hình này, ban đầu gia đình cũng hoài nghi về tính hiệu quả của nó nhưng khi tìm hiểu trên internet và qua thời gian nuôi thử (24 m2 chuồng trại) đã đem lại hiệu quả tốt. Chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, hầu như không còn mùi hôi…
“Nuôi trên đệm lót sinh thái tôi đã bán một lứa 8 con heo thu được 8 triệu đồng tiền lãi. Hiện tôi dự tính mở rộng thêm diện tích nuôi heo thêm 20 m2 nữa để phát triển hơn kinh tế gia đình”, anh Lịnh nói.
Ông Lê Cao Khánh, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Đại Lộc cho biết: “Đây là mô hình được trạm nghiên cứu khá kỹ trước khi đưa triển khai thực hiện. Mô hình này không tốn nhiều chi phí, rất dễ dàng thực hiện, heo con nuôi trên đệm lót sinh thái sẽ khoẻ mạnh, ít bị bệnh, thịt chắc, thơm ngon. Đặc biệt cải thiện môi trường sống cho người lao động, tạo cơ hội phát triển chăn nuôi nơi khu dân cư. Trong thời gian tới trạm sẽ xin thêm kinh phí để thực hiện rộng ra một số xã”.