Phát sốt vì gỗ trắc

ThienNhien.Net – Với giá từ 20.000 đến 200.000 đồng/kg trắc tùy vào đường kính gỗ, mỗi thợ rừng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng/ngày, nếu tìm được gốc lớn thì có thể kiếm được vài triệu đồng.

Thuyết phục nhiều lần, chúng tôi được A U – 27 tuổi, người dân tộc J’Rai, ngụ xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai – cho đi theo vào rừng tìm gỗ trắc.

Gốc, rễ trắc tang vật bị thu giữ tại Hạt Kiểm lâm Krông Pa, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Hoàng Thanh/www.nld.com.vn)
Gốc, rễ trắc tang vật bị thu giữ tại Hạt Kiểm lâm Krông Pa, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Hoàng Thanh/www.nld.com.vn)

Tiêu thụ dễ dàng

Ðúng 8 giờ, nhóm 4 người của A U ba lô nịt chắc sau lưng, vượt suối Ia Sair, tiến thẳng vào rừng. Cùng đi còn có chừng 30 người, mỗi người điều khiển một xe máy chở theo dao, rìu, cuốc và cưa máy. Chừng 10 giờ, từng tốp xe máy từ rừng chạy ra chở theo gốc, cành trắc.

“Toàn người làng mình đấy, trắc lên giá nên rủ nhau bỏ rẫy vào rừng tìm mang về bán. Mấy nhóm đó vào rừng Suối Lạnh, chỉ tìm được cành và gốc nhỏ ít giá trị. Phải đi tới rừng Hà Ðang mới tìm được gốc lớn, bán được nhiều tiền” – A U nói.

Những khu rừng mà A U nói nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện Krông Pa và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Ðầu buổi chiều, đoàn người chia nhóm, len lỏi giữa các thân cây dùng dao đẽo từng mảnh gỗ ngắm nghía, đưa lên mũi ngửi, ngước nhìn lá để tìm xem có đúng gỗ trắc hay không. Sau nhiều giờ lần mò không tìm được gốc trắc lớn mà chỉ toàn loại bằng cổ chân, A U than thở: “Hôm nay xui quá!”.

Rẽ theo hướng khác, A Mớ (46 tuổi, cùng ngụ xã Chư Rcăm) vừa dùng dao đẽo một gốc cây vừa hú vang gọi những người trong nhóm. Trong lúc chờ đợi, A Mớ nói: “Nãy giờ mới tìm được gốc này đây. Ðào lên không biết to cỡ nào”. Ít phút sau, 3 người mang theo cuốc, cưa kéo tới hì hục đào bới. Khi gốc trắc lộ ra khoảng 80 cm, một người dùng cưa máy cắt sát đất. Bưng gốc trắc trên tay, A Mớ hồ hởi: “Gốc này phải được 20 kg chứ không ít”.

Một nhóm đi rừng lùng trắc thường có khoảng 4-8 người, khi tìm được khoảng 150 kg thì sẽ cử một người chở về bán và mua thêm đồ ăn mang vào. Với giá bán từ 20.000 đến 200.000 đồng/kg tùy vào đường kính gỗ, sau khi trừ chi phí mua đồ đạc, xăng dầu…, mỗi thợ rừng cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng/ngày, nếu may mắn tìm được gốc trắc lớn thì có thể kiếm được vài triệu đồng.

Trong xã Chư Rcăm, A Mớ và Ma Tươm là những thợ rừng giỏi và khỏe nhất. Mới hơn 1 tháng “sốt” giá gốc, rễ trắc mà 2 người đã kiếm được tiền mua xe máy cho con. Việc tiêu thụ gốc, rễ trắc rất dễ dàng. Chỉ cần mang về nhà là có đầu nậu đến mua.

Người dân xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bỏ rẫy đi đào gỗ trắc vì bán được giá cao (Ảnh: Hoàng thanh/www.nld.com.vn)
Người dân xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bỏ rẫy đi đào gỗ trắc vì bán được giá cao (Ảnh: Hoàng thanh/www.nld.com.vn)

Có thể bị “thổi giá”

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ðức Ðại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa cho biết thời gian gần đây, việc thu mua gốc và rễ trắc trở nên “sốt nóng” trên địa bàn. Người dân chủ yếu khai thác ở các xã như Ia Rsai, Chư Rcăm và Krông Năng. Việc nghiêm cấm hay bắt giữ là rất khó bởi chủ yếu là gốc, rễ và khi bị phát hiện, họ sẵn sàng vứt để chạy.

Chỉ trong tháng 8-2013, Hạt Kiểm lâm Krông Pa đã bắt giữ 2,1 tấn gốc và cành trắc. Mới đây, hạt xử phạt hành chính 6,5 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Vinh (ngụ phường An Bình, thị xã An Khê) về hành vi “vận chuyển lâm sản trái phép”. Trước đó, hạt bất ngờ kiểm tra ô tô do Vinh điều khiển, phát hiện trên xe có 250 kg trắc (cành, ngọn). Theo lời khai của Vinh, số trắc này được Vinh mua từ người dân.

Ông Trần Ðức Ðại cũng cho biết là không hiểu sao gốc, rễ trắc lại được mua với giá cao như vậy trong khi cành và rễ nhỏ không thể dùng được vào việc gì; rất có thể bị thương lái Trung Quốc “thổi giá” để gây rối loạn thị trường.

Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gỗ trắc trên Quốc lộ 1A

Ngày 9-9, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết lúc 21 giờ ngày 8-9 đã phát hiện và bắt giữ ô tô mang biển số 77C-00471 do Nguyễn Ðăng Khánh (ngụ tỉnh Gia Lai) điều khiển, vận chuyển một số lượng lớn gỗ trắc đã được cắt ngắn, trọng lượng gần 5 tấn, giấu dưới lớp rơm và dưa hấu. Tài xế không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của số gỗ này và khai nhận chở thuê cho một chủ hàng ở tỉnh Gia Lai đưa ra tỉnh Hưng Yên tiêu thụ.

Cùng ngày, lực lượng công an cũng phát hiện ô tô do Ngô Văn Tình (ngụ tỉnh Bắc Giang) điều khiển chở 5 khúc gỗ trắc.

Theo Công an tỉnh Quảng Bình, gần đây, lực lượng công an khi tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều ô tô vận chuyển gỗ lậu, trong đó có nhiều gỗ trắc.

H.Hà

 

Giả trắc Krông Pa để bán

Chư Rcăm là một xã nhỏ nhưng có tới hơn 10 đầu nậu chuyên thu mua gốc, rễ trắc. Theo chỉ dẫn của A U, chúng tôi tìm đến nhà một trong những đầu nậu lớn trên địa bàn. Hàng chục người đứng bên bó gỗ chờ đến lượt bán. Trong kho chứa của nhà này, cành và rễ trắc chất thành đống lớn.

“Mình chỉ là trung gian mua rồi bán sang tay hưởng chênh lệch. Chủ lớn mua lại rồi mang xuống các tỉnh miền Trung bán” – chủ nhà cho biết và nói rõ là trắc ở Krông Pa đẹp, có nhiều đường vân nên giá cao hơn vùng khác. Thậm chí, thương lái còn mua trắc ở các vùng khác mang về đây, giả là trắc Krông Pa để bán.