ThienNhien.Net – Đây là nội dung chính, cũng là một phần tiêu đề cuốn sách “The UN Watercourses Convention in Force – Strengthening International Law for Transboundary Water Management” (Tạm dịch: Công ước Liên Hợp quốc về nguồn nước thúc đẩy luật pháp quốc tế về quản lý nguồn nước xuyên biên giới) do TS. Alistair Rieu-Clarke – giảng viên cao cấp thuộc trường Đại học Dundee (Anh) và Flavia Rocha Loures – cán bộ cấp cao của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tập hợp và biên soạn.
Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy (gọi tắt là Công ước 1997) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 41 thông qua ngày 21/5/1997, quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong lĩnh vực sử dụng các nguồn nước quốc tế.
Thông qua loạt bài phân tích, bình luận sâu của nhóm tác giả, cuốn sách cung cấp cái nhìn về vai trò và tính hợp lý của Công ước 1997, đồng thời mô tả và đánh giá hiệu quả của Công ước đối với hoạt động quản lý nguồn nước xuyên biên giới khi Công ước này chính thức được thực thi. Hiện đã có 30 quốc gia phê chuẩn Công ước và công ước sẽ có hiệu lực khi có 35 nước phê chuẩn.
Ngoài việc đánh giá vai trò và hiệu quả của Công ước trên, cuốn sách còn mô tả quá trình soạn thảo, đàm phán Công ước và mối quan hệ của nó với các hiệp định môi trường đa phương khác.
Rất nhiều nghiên cứu điểm đã được triển khai nhằm đánh giá vai trò của Công ước 1997 ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm cấp độ khu vực (Liên minh Châu Âu, Đông Phi, Tây Phi, Trung Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ), cấp độ lưu vực sông (ví dụ như sông Mê Kông và Congo) và cấp độ quốc gia (ví dụ như Ethiopia và Mexico).
Đề xuất về cách thức thực thi Công ước trong tương lai cũng được cuốn sách đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước, từ đó tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên hợp lý và bền vững trong bối cảnh thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng về nước ngày một trầm trọng.
Trên thế giới hiện có 263 con sông liên quốc gia chảy qua lãnh thổ 145 nước, chiếm hơn 40% diện tích đất toàn cầu. |