ThienNhien.Net – Sở hữu một vùng biển giàu tài nguyên, song khu vực Đông Nam Á và Đông Á cũng đang đứng trước các thách thức môi trường xuyên biên giới trong việc bảo tồn nguồn của cải này. Các khảo sát về quản lý vùng biển này cho thấy một trong những thách thức nổi bật là sự suy giảm nguồn thủy sản, sinh kế của khoảng 600 triệu người sống ven biển. Điều này đặt ra vấn đề về quản lý tài nguyên và kèm theo đó là sự cần thiết phải có nhiều hơn nữa những nghiên cứu, giám sát về quản lý môi trường biển, theo khuyến cáo của Báo cáo chính sách “Target Research and Monitoring Program for Enhanced Management of the Seas of East and Southeast Asia” (Tạm dịch: Nghiên cứu mục tiêu và Chương trình giám sát nhằm Cải thiện quản lý biển Đông Á và Đông Nam Á).
Tiềm năng biển không thể phủ nhận
Theo nhận xét của Báo cáo, tầm quan trọng của vùng biển Đông Nam Á và Đông Á là không thể phủ nhận trên nhiều phương diện.
Bao gồm các quốc gia thuộc đất liền của Châu Á là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam cùng các quốc đảo Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Timor, khu vực Đông Nam Á trải rộng trên 5 triệu km2 đất liền và 105.592km bờ biển.
Trong số hơn 250 triệu người dân sống ven bờ (ICLARM, 1999), theo tính toán có khoảng 600 triệu người sống dựa vào nguồn tài nguyên từ biển và ven bờ bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan tới nông nghiệp, công nghiệp ven biển, phát triển năng lượng, thủy sản, thương mại và du lịch.
Xét về giá trị hải sản, sản lượng của khu vực Đông Nam Á và Đông Á chiếm vào khoảng ¼ sản lượng hải sản của thế giới.
Không chỉ giàu tiềm năng kinh tế biển, các môi trường sống liên quan như rạn san hô, đước và các thảm cỏ biển còn giúp bảo vệ các khu vực dân cư, hoạt động nông nghiệp và công nghiệp trước sói lở, lũ lụt và các hiện tượng thiên tai khác.
Ước tính, các khu san hô mang lại cho ngành du lịch và thủy sản Đông Nam Á khoảng 23.100 đến 270.000 USD/km2 mỗi năm (Burke, at al., 2002).
Đông Nam Á cũng là một trung tâm da dạng sinh học biển, sở hữu 30% rạn san hô và đước của thế giới.
Đông Nam Á và Đông Á đồng thời cũng chiếm vị trí quan trọng về thương mại đường biển với 12 trên tổng số 25 cảng container lớn nhất thế giới. Ở Đông Á, tổng số lượng container giao dịch thương mại tăng 270% từ năm 1985 đến 1995.
Bảo vệ nguồn tài nguyên cá trước thách thức
Bên cạnh các vấn đề môi trường mới nổi như biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương, sinh vật ngoại lai xâm lấn, rác thải biển thì sự suy giảm nguồn cá là một thách thức đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân ven biển.
Theo kết quả khảo sát từ 2004 của SocMon (Sáng kiến giám sát kinh tế xã hội toàn cầu về quản lý ven biển) với 9.000 hộ gia đình và các cá nhân đại diện cho hơn 40 cộng đồng ven biển bao gồm 21 của Indonesia, 27 của Philippines, 2 của Thái Lan và 3 của Việt Nam thì trong số 13 thách thức chính về môi trường, có tới 6 thách thức được phản ánh là liên quan đến nghề cá.
Những thách thức này chủ yếu xuất phát từ đánh bắt quá mức và sử dụng các kỹ thuật đánh bắt tận diệt như dùng thủy ngân, đánh bắt bằng lưới mắt nhỏ.
Ba dự án nghiên cứu của WordFish Center về kinh tế xã hội, quản lý nghề cá và nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đông Nam Á cũng cảnh báo rằng sự bền vững của tài nguyên cá đang là vấn đề gây quan ngại do đánh bắt quá mức và sự suy thoái các môi trường sống ven biển.
Trong khi đó, ba dự án nghiên cứu của WordFish Center đã chứng minh rằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã giải quyết việc làm, thu nhập và an ninh lương thực ở nhiều cộng đồng ven biển với khoảng 16 triệu người dân ở các nước Đông Nam Á theo thống kê đã tham gia trực tiếp vào các hoạt động đánh bắt quy mô nhỏ trong những năm 1990.
Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn hải sản, biện pháp hạn chế đánh bắt thường không thành công vì nó tác động trực tiếp vào thu nhập của ngư dân, thường là những người dân nghèo.
Thay vì cấm đoán và hạn chế, các giải pháp được khuyến cáo là tạo sinh kế thay thế hoặc bổ sung cho người dân sống với nghề cá.
Bên cạnh đó, xây dựng các Khu bảo tồn Biển để thúc đẩy bảo tồn các môi trường sống ven biển đồng thời phục hồi tài nguyên tự nhiên cũng là một giải pháp quan trọng.
Ngoài các chương trình nghiên cứu, khảo sát khu vực về tình trạng và hiệu quả quản lý vùng bờ biển, các chương trình giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý tài nguyên môi trường ở quy mô địa phương cũng hết sức cần thiết.
Chẳng hạn, tổ chức Hợp tác Quản lý Môi trường Biển Đông Á (PEMSEA) gần đây đã áp dụng hệ thống báo cáo “State of the Coasts” (SOC – Báo cáo tình trạng bờ biển), tập trung vào việc đánh giá quá trình, sự thay đổi và tác động của quản lý ven bờ tổng hợp (ICM) ở quy mô địa phương. Hiện tại đã có khoảng 10% của 238.000 km bờ biển của Đông Á triển khai ICM và hướng tới mục tiêu 20% vào năm 2015.