ThienNhien.Net – Các doanh nghiệp Trung Quốc ở Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng (GMS) đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường của khu vực này, đặc biệt là các dự án khai thác khoáng sản và thủy điện. Đây là kết luận của Sách Xanh về khu vực mới được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội của Trung Quốc công bố.
Theo cuốn sách, chất thải từ các dự án khai mỏ của Trung Quốc đang phá hủy môi trường khu vực. Trong khi đó, các dự án thủy điện hợp tác giữa Trung Quốc, Myanmar và Lào, mặc dù cung cấp nguồn điện đang thiếu hụt, nhưng tiềm ẩn những rủi ro đến môi trường sống của cá và thực vật trong khu vực.
Trong những năm qua, do mối quan ngại sâu sắc của công chúng và sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ, các quốc gia trong khu vực đã đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn trong hợp tác với Trung Quốc ở những ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, Sách Xanh khuyến cáo cơ quan lập pháp Trung quốc đưa ra những luật định chặt chẽ hơn để đánh giá hoạt động hợp tác và quản lý đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài.
Các thể chế tài chính của Trung Quốc cũng được khuyến cáo phải cân nhắc các chính sách ưu tiên bảo vệ môi trường hơn trong các quyết định đầu tư và tránh đầu tư vào các dự án tài chính ngắn hạn.
Cuốn sách cũng đồng thời khuyến cáo hợp tác tốt hơn nữa giữa các quốc gia trong khu vực để đánh giá tác động môi trường trước khi phê chuẩn các dự án tiềm ẩn rủi ro môi trường.
“Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu của chúng tôi có thể cung cấp cơ sở quan trọng cho chính phủ và các tổ chức” – Li Zhi, chủ biên Sách Xanh phát biểu.
Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng bao gồm các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.