ThienNhien.Net – Hoạt động xây các đập trên dòng chính và dòng nhánh Mê Kông đang dấy lên những quan ngại về tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Tuy nhiên, trong khi tác động của đập thủy điện lên đa dạng sinh học, nghề cá và an ninh lương thực nhận được sự quan tâm đáng kể thì những nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe cộng đồng thường ít được nhắc đến. Mới đây, nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Singapo (Singapo) cùng các đồng nghiệp từ Thái Lan, Đức, Anh và Mỹ đã công bố nghiên cứu của mình về các tác động này, xin được giới thiệu với bạn đọc trong bài viết dưới đây.
Mầm bệnh “ủ” từ những con đập
Tính đến nay đã có ít nhất 85 con đập được đề xuất xây dựng trên dòng Mê Kông, cả dòng nhánh và dòng chính. Nếu được xây dựng, những con đập này sẽ làm giảm tính đa dạng và dồi dào của các loài cá nước ngọt, vốn là nguồn protein động vật chủ yếu đối với phần lớn dân số 67 triệu người cư trú tại lưu vực.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của nhóm tác giả nói trên, các bậc thang thủy điện hạ nguồn Mê Kông còn có thể tiềm ẩn những nguy cơ tạo mầm bệnh liên quan tới nước và thực phẩm. Các mầm bệnh có thể xuất phát từ vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi gây sốt rét, sốt xuất huyết, từ ký sinh trùng protozoa gây tiêu chảy hay loại sán máng xâm nhập vào cơ thể người qua nguồn nước bị nhiễm ấu trùng gây bệnh…
Điều đáng nói là thói quen ăn gỏi cá hoặc cá chưa chín kỹ của nhiều cư dân vùng Mê Kông cũng là nguyên nhân đẩy họ đến những nguy cơ lớn về sức khỏe, thậm chí là nguy cơ tử vong nếu không may bị nhiễm các loại sán truyền bệnh qua thực phẩm như sán lá gan, sán lá phổi, sán ruột…
Trường hợp ung thư vì nhiễm ký sinh trùng sán lá gan Opisthorchis viverrini là một ví dụ. Vòng đời* của ký sinh trùng O. viverrini có sự tham gia của các vật chủ trung gian là ốc (Bithynia sp.) và cá bản địa (cyprinid sp.), hai loài vốn ưa sống ở môi trường đất ngập nước thuộc lưu vực Mê Kông, cũng như trong các vật chủ phụ (loài ăn thịt) và vật chủ chính (con người).
Hiện O. viverrini đang đe dọa sức khỏe của hơn 10 triệu người dân Lào và Thái Lan. Đặc biệt, căn bệnh ung thư đường mật do sán lá gan O. viverrini gây ra còn được dự đoán là có khả năng cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người trong những thập kỷ tới…
Đập càng nhiều, bệnh dịch càng tăng
Theo nghiên cứu, hoạt động xây đập rõ ràng có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiệt đới do đặc điểm dịch tễ học của chúng vốn dĩ đã có mối liên hệ với sinh thái đất ngập nước và vấn đề kiểm soát nước bề mặt. Sự xuất hiện của những con đập sẽ vô tình tạo thêm nơi cư trú và sinh sôi cho các vật chủ trung gian gây sốt rét như muỗi Aedes, Anopheles và Culex spp..
Ở một số quốc gia như Sudan, Ai Cập, Ethiopia, Trung Quốc…, các dự án thủy điện quy mô lớn đã bị “kết tội” là nguyên nhân gây bùng phát hoặc tái bùng phát bệnh sán máng. Tương tự, những thay đổi trong mực nước và lượng phù sa ở vùng hạ nguồn do việc xây dựng đập Tam Hiệp (Trung Quốc) được cảnh báo có thể làm kéo dài mùa truyền bệnh sán máng ở khu vực đầm lầy dọc vùng trung và hạ nguồn sông Dương Tử của Trung Quốc.
Đã có minh chứng thực tế về mối quan hệ giữa sinh thái học bệnh truyền nhiễm và những thay đổi do con người gây ra ở vùng nước mặt thuộc hạ nguồn Mê Kông.
Cụ thể, các dự án phát triển nhằm củng cố cơ sở hạ tầng đường bộ và giảm thiểu lũ lụt tại Lào đã và đang tạo điều kiện hình thành hệ thống ao nuôi trồng thủy sản nhỏ trong các ngôi làng. Các ao nước này cung cấp môi trường sống lý tưởng và là nơi có thể diễn ra toàn bộ vòng đời của ký sinh trùng O. viverrini. Nguy cơ lan tràn mầm bệnh từ O. viverrini ngày càng cao trong bối cảnh thiếu các giải pháp phòng ngừa sự gia tăng của hệ thống ao nuôi trồng thủy sản.
Mối liên hệ giữa bệnh sán lá gan nhỏ từ ký sinh trùng O. viverrini và các ao nuôi ở Lào chứng minh rằng tình huống tương tự hoàn toàn có thể xảy ra nếu việc xây đập trên sông Mê Kông không dừng lại.
Từ nghiên cứu trên, nhóm tác giả khuyến cáo các nước trong khu vực Mê Kông, ngoài các đánh giá tác động môi trường và xã hội khác thì việc đánh giá tác động cần cân nhắc cả những thay đổi trong sinh thái học bệnh truyền nhiễm liên quan tới sự thay đổi các mô hình thủy văn và môi trường đất ngập nước. Cùng với đó, cần triển khai những giải pháp hiệu quả để hạn chế sự bùng phát dịch bệnh khi những con đập tiếp tục được xây dựng.
(*) Vòng đời của ký sinh trùng O. viverrini: Con người thường bị nhiễm bệnh do ăn phải ấu trùng O. viverrini trong gỏi cá. Ấu trùng khi xâm nhập cơ thể sẽ hình thành nang ở tá tràng, sau đó đi vào ống mật, nơi chúng phát triển thành sán trưởng thành và có khả năng sinh sản. Trứng được sinh ra theo đường mật vào ruột và bài xuất ra ngoài cơ thể qua phân. Nếu hệ thống xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn, trứng sẽ sống sót và thâm nhập vào nước ngọt. Khi ốc ăn phải trứng này, ấu trùng sán lá sẽ nở ra và phát triển thành bào tử nang và lôi ấu. Cứ thế, lôi ấu lớn dần thành ấu trùng đuôi bơi tự do. Khi tiếp xúc với loài cá họ chép thích hợp (vật chủ trung gian thứ hai), ấu trùng đuôi sẽ xâm nhập vào các mô hoặc da cá nước ngọt và trở thành ấu trùng sán lá song chủ hoàn chỉnh. Vòng đời của O. viverrini sẽ lặp lại nếu con người tiếp tục ăn gỏi cá hoặc cá chưa chín kỹ…