ThienNhien.Net – Trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện, Công ty TNHH Hoàng Nguyên đã làm hỏng hệ thống nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nhưng gần 2 năm qua vẫn chưa khắc phục, sửa chữa như hứa hẹn.
Trong khi dư luận đang quan tâm việc Công ty TNHH Hoàng Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk) tiến hành các thủ tục pháp lý để xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin (Báo Người Lao Ðộng liên tục phản ánh) thì có một dự án thủy điện khác của doanh nghiệp này đang từng ngày làm khổ người dân.
Người dân khát nước…
Gần 2 năm nay, kể từ ngày Nhà máy Thủy điện Ea Kha (xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk) tích nước, cứ ngày 3 lần, chị H’Van Êban (ngụ buôn M’ghí, xã Yang Mao) phải mang can nhựa đi bộ ra khu vực đập thủy điện Ea Kha cách nhà khoảng 1 km để lấy nước về sinh hoạt. Tính chung cả ngày, chị H’Van phải mất hơn 3 giờ chỉ để lấy nước về dùng.
Là hộ nghèo, gia đình chị H’Van vay mượn hàng xóm hơn 10 triệu đồng để đào giếng lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do sống ở khu vực đồi núi, giếng đã đào được 15 m nhưng vẫn chưa có nước. Cạn tiền, gia đình chị đành bỏ cuộc.
“Mỗi lần đi chỉ lấy được vài chục lít nước, đủ dùng nấu ăn; còn việc tắm giặt phải nhờ mương nước thủy lợi gần nhà. Vẫn biết là nguồn nước này không hợp vệ sinh, thường xuyên gây ngứa ngáy nhưng gia đình tôi không còn cách nào khác” – chị H’Van nói.
Cũng từ khi Nhà máy Thủy điện Ea Kha tích nước làm khô cạn hệ thống nước tự chảy của người dân, gia đình chị H’Quyn B’krông (ngụ buôn M’ghí) đã phải vay mượn tiền để mua một chiếc xe công nông chuyên chở nước sinh hoạt cho gia đình 6 người. Là hộ nghèo, việc mỗi ngày gia đình chị H’Quyn phải mất khoảng 30.000 đồng tiền dầu đổ xe công nông chở nước là một gánh nặng. Cái đói, cái nghèo của người dân buôn M’ghí vì thế cứ luẩn quẩn quanh năm.
Ông Y Nguyên Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Mao, cho biết, năm 1998, dự án Danida (Ðan Mạch) đã tài trợ gần 1 tỷ đồng để xây dựng chương trình nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh cho người dân xã Yang Mao. Năm 2007, do mưa lũ làm hỏng gần 100 m đường ống dẫn nước nên Nhà nước hỗ trợ 950 triệu đồng từ vốn Chương trình 135 để sửa chữa.
Ðến tháng 11/2011, Công ty TNHH Hoàng Nguyên chặn dòng phát điện thì nguồn nước khô cạn, không còn hộ nào sử dụng được nguồn nước này. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục như cam kết trước khi xây dựng” – ông Y Nguyên Byă nói.
Nhà nước mất rừng…
Không chỉ làm mất nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea Kha (công suất 3 MW) đã xóa sổ hàng chục héc-ta rừng và nhiều thác nước đẹp.
Ông Ðoàn Văn Thành, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Krông Bông, cho biết: Dự án Thủy điện Ea Kha chiếm 44,5 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 31 ha rừng tại các tiểu khu 1212 và 1218 do Công ty và UBND xã Yang Mao quản lý. Về hiện trạng, theo kết quả đánh giá của cơ quan chức năng vào thời điểm đó, có 5,8 ha rừng giàu, còn lại là rừng trung bình và rừng nghèo.
Việc dùng ống dẫn nước dài hơn 1 km để tạo áp lực phát điện đã làm một đoạn suối dài khô cạn. Ðiều đáng nói, khu vực này có nhiều thác nước đẹp vốn là tiềm năng du lịch của xã nghèo Yang Mao. Khi Nhà máy Thủy điện Ea Kha tích nước thì những thác nước này cũng biến mất.
Theo một cán bộ địa chính xã Yang Mao, trước đây khu vực này có nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ. Vào dịp lễ, tết, du khách từ khắp nơi đến ngắm thác và du lịch mạo hiểm. Chính quyền xã dự kiến làm khu du lịch, cải thiện đời sống của người dân. Ðùng một cái nhà máy xây dựng, dự án cũng tan theo.
Dây dưa nợ thuế Ông Bùi Văn Chuẩn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ðắk Lắk, cho biết Cục thuế vừa cưỡng chế nợ thuế, thông báo tạm đình chỉ sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH Hoàng Nguyên do nợ thuế gần 2,252 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là 1,745 tỷ đồng, thuế tài nguyên nước là 268 triệu đồng, còn lại là phạt hành chính. Hình thức cưỡng chế là trích từ tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng. |