ThienNhien.Net – Từ bao đời nay, người dân xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, đã ra sức gìn giữ khu rừng Nà nằm ngay giữa làng. Khu rừng có diện tích 17 ha này được 300 hộ dân trong xã xem như một phần máu thịt không thể thiếu đối với cuộc sống của họ.
Ông Huỳnh Văn Đủ đã hơn 80 tuổi, cư dân của Đức Thạnh, cho hay: “Theo những bậc tiền bối kể lại, rừng này có từ thời cha ông dựng làng mở đất, đã có từ nhiều trăm năm trước…”. Theo lịch sử Đảng bộ xã Đức Thạnh, trong những năm 1930 – 1931, rừng Nà đã là căn cứ hoạt động, nơi trú ẩn của lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1965, rừng Nà được xây dựng thành căn cứ cách mạng của tỉnh cho đến ngày giải phóng (1975).
Dẫn chúng tôi đi thăm rừng Nà, ông Đào Bá (58 tuổi), cựu thanh niên xung phong ở xã Đức Thạnh, kể: “Hồi đó, chúng tôi đào địa đạo sâu trong rừng để có nơi trú ẩn. Chúng tôi lấy rừng Nà làm lá chắn để chiến đấu, khiến địch bao phen khiếp sợ. Năm 1974, địch bắt dân trong xã phải tự tay phá hết rừng Nà nhưng bà con phản kháng quyết liệt, nhiều người chấp nhận hy sinh chứ không phá rừng. Nhờ vậy, rừng Nà vẫn mãi xanh tốt đến ngày đất nước giải phóng”.
Theo đề tài “Nghiên cứu tạo lập cơ sở dữ liệu, đề xuất giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường và lịch sử khu sinh thái rừng Nà”, các cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận rừng Nà có 123 loài động vật có xương sống, 52 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm… Tại đây, có nhiều chim cò, vạc… sinh sống với số lượng lớn đến hàng nghìn cá thể. Về quần thể thực vật, rừng Nà gồm các loại cây trâm, sanh, gáo, sợp, dành dành, dứa dại…
Ông Nguyễn Văn Năm – Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh – cho biết: “Rừng Nà được ví như “lá phổi xanh” của xã, góp phần không nhỏ trong việc điều tiết nước, giữ ẩm cho 100 ha hoa màu trong xã. Chúng tôi đang làm đề án giao từng diện tích rừng cụ thể cho các thôn để việc bảo vệ rừng được tốt hơn. Bên cạnh giá trị về lịch sử, rừng Nà có nhiều giá trị về tự nhiên. Nguyện vọng của bà con trong xã mong muốn UBND tỉnh quy hoạch, xây dựng rừng Nà thành khu du lịch sinh thái nhằm phát huy hết những giá trị sẵn có, đồng thời cũng là cách giáo dục về lịch sử cho thế hệ con cháu mai sau”