ThienNhien.Net – Có nhiều ý kiến khẳng định việc chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su tại các tỉnh Tây Nguyên được xem là một chủ trương đúng đắn, góp phần thúc tiến sự phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Tuy nhiên, tình trạng chuyển đổi ồ ạt, thậm chí thiếu quy hoạch và có phần lợi dụng chủ trương trong quá trình chuyển đổi để “rút ruột” đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã và đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và bất bình an ninh xã hội.
Cũng vì cách làm việc thiếu cơ sở, có phần nóng vội, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng lập hồ sơ để “hô biến” rừng giàu thành rừng nghèo kiệt, nhằm khai thác lâm sản công khai núp dưới danh nghĩa…“tận thu.”
Điển hình như tại tỉnh Lâm Đồng, kết quả kiểm tra các dự án trồng cao su tại huyện Bảo Lâm cho thấy, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc khai thác những cây gỗ lớn chứ không tập trung khai thác các loại gỗ tận dụng, gỗ nguyên liệu.
Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+ tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, cả cánh rừng bạt ngàn cây gỗ quý nằm đối diện Ủy ban nhân dân xã Lộc Bảo, cách đây vài năm còn bạt ngàn màu xanh, nay đã bị chặt hạ, đốt gốc, gỗ vứt ngổn ngang hai bên lề đường.
Cũng như Lâm Đồng, tình trạng lập dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su nhưng thực chất để lấn chiếm rừng, khai thác gỗ cũng xảy ra tương tự tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai.
Một điều trớ trêu là rừng giàu bị “biến” thành rừng nghèo để trồng cao su, trong khi các địa phương này lại đi khoanh nuôi những cánh rừng nghèo. Thực tế hết sức phi lý trên đã phần nào khiến không ít cánh rừng bạt ngàn cây xanh ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị… “xóa sổ”.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Vietnam+ đã ghi lại được trong quá trình tiếp cận hiện trường: