ThienNhien.Net – Không ít chương trình, dịch vụ đã thực hiện thu phí qua mạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả người sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ. Nhưng áp dụng trong thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thì đây thực sự là một gợi mở mới.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, đặc biệt là nước thải khu công nghiệp trên địa bàn, ông Chu Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cho rằng, để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu các quy trình nhằm đơn giản hóa thủ tục kê khai, nộp phí, đặc biệt cần chú trọng thực hiện hoạt động thu phí qua mạng.
– Ông có thể cho biết đôi điều về thực trạng thu phí nước thải hiện nay trên địa bàn, đặc biệt là tình trạng thu phí nước thải trong các khu công nghiệp?
Ông Chu Quốc Hải: Ngay sau khi Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được ban hành và có hiệu lực, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực chủ động tham mưu HĐND và UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Vĩnh Phúc bắt đầu triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải từ năm 2004, trong đó việc thu phí phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của những trường hợp sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung được giao cho các đơn vị cung cấp nước thực hiện và trường hợp còn lại thuộc diện phải nộp phí sẽ do UBND xã, phường, thị trấn đảm trách. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt bằng 08% đơn giá nước sạch (chưa tính thuế VAT).
Riêng việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thì được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Nhìn chung, các đối tượng thuộc diện phải nộp phí cơ bản chấp hành đầy đủ theo quy định và số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong những năm qua liên tục tăng. Tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu từ năm 2004 đến nay đạt khoảng trên 2,6 tỷ đồng, trong đó năm 2004 thu được hơn 85 triệu đồng, năm 2012 thu được hơn 540 triệu đồng và từ đầu năm 2013 đến nay thu được trên 477 triệu đồng.
Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp ở các khu công nghiệp tương đối thuận lợi vì cả 4 khu công nghiệp (Khai Quang, Kim Hoa, Bình Xuyên và Bá Thiện) đều đã đi vào hoạt động và đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc nộp phí trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của các đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
– Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đồng tình với quy định thu phí, đặc biệt là mức tính phí nước thải, thưa ông? Với những cơ sở công nghiệp cố tình không chấp hành việc thẩm định tính phí hoặc trốn tránh không nộp phí, Sở có biện pháp gì để xử lý?
Ông Chu Quốc Hải: Nhìn chung, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều đồng tình với quy định thu phí và trong đơn giá dịch vụ thu gom, xử lý nước thải mà các doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Do đó, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thực hiện tương đối đầy đủ, không có tình trạng không chấp hành. Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp chưa quan tâm và không nộp phí theo quy định. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra và khi phát hiện đã tiến hành truy thu số phí phải nộp theo quy định, xử lý phạt vi phạm hành chính…
– Những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị gặp phải trong quá trình thu phí, quản lý, sử dụng phí cũng như việc xác định đối tượng chịu phí?
Ông Chu Quốc Hải: Việc quy định “Nước thải công nghiệp là là nước thải ra môi trường từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản” theo khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khiến việc xác định ranh giới giữa nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt ở một số trường hợp rất khó khăn, điều này khiến việc triển khai áp dụng thu phí đôi khi còn lúng túng. Mặt khác, việc thẩm định, xác minh trong quá trình tính phí cũng tốn kém và khó có thể thực hiện thu đúng, thu đủ.
– Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?
Ông Chu Quốc Hải: Đơn cử như một số doanh nghiệp có lượng nước thải sinh hoạt khá lớn (do có số lượng công nhân đông) nhưng lại được xử lý chung với nước thải sản xuất, việc chia tách hai loại nước thải này chỉ mang tính tương đối. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp sử dụng nước ngầm từ giếng tự khoan để phục vụ sản xuất nên việc thẩm định lưu lượng sử dụng khó chính xác như sử dụng nước máy có đồng hồ tính lưu lượng…
– Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ban hành ngày 29/3/2013 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được đánh giá là một công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Chu Quốc Hải: Việc triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải không những tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn có ý nghĩa rất quan trọng việc bảo vệ môi trường và đây cũng được coi là một công cụ hữu hiệu trong quản lý và bảo vệ môi trường.
Việc ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc trong triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải so với các quy định trước đây. Cụ thể, Nghị định đã quy định rõ nét hơn đối tượng phải chịu phí nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt; mức thu phí đối với chất gây ô nhiễm cao hơn và điều này khuyến khích được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư hệ thống xử lý.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng có sự phân chia rõ đối tượng gây ô nhiễm môi trường khó xử lý (cơ sở phát sinh nước thải có chứa kim loại nặng) và đối tượng gây ô nhiễm môi trường dễ xử lý. Đặc biệt, văn bản này cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường có thể ủy quyền cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện (đơn vị quản lý trực tiếp các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ) thực hiện việc triển khai thu phí và điều này giúp quá trình thu phí đúng đối tượng, thu đủ hơn.
– Bên cạnh những điểm mới tại Nghị định số 25/2013/NĐ-CP, ông có đề xuất gì thêm về mặt cơ chế quản lý, chính sách nhằm giúp công tác thu phí đạt hiệu quả cao hơn?
Ông Chu Quốc Hải: Theo tôi, để công tác thu phí đạt hiệu quả cao hơn, cần tiếp tục nghiên cứu nhằm đơn giản hóa hơn nữa công tác kê khai, thẩm định, thông báo nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, trong đó cần chú trọng thực hiện hoạt động thu phí qua mạng (xây dựng các cơ quan hành chính điện tử) để tiết kiệm thời, kinh phí của nhà nước và doanh nghiệp.
Mặt khác, Chính phủ cần sớm xem xét sửa đổi Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi chậm hoặc trốn tránh nghĩa vụ nộp phí.
Thêm nữa, cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở cố tình không chấp hành nộp phí.
Xin chân thành cảm ơn ông!