ThienNhien.Net – Cần sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc bảo đảm an toàn hồ chứa.
“Hiện cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Đa số các công trình thủy điện có công suất lớn hơn 50 MW, công trình thủy lợi có đập lớn cao hơn 50 m đang được vận hành an toàn. Nhưng một số hồ quy mô nhỏ do địa phương, tư nhân quản lý còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện trong cả nước sáng 29/8.
Trước Hội nghị này, trong tháng 8, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi thành lập các đoàn kiểm tra về công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên trước mùa mưa bão. Theo báo cáo, vừa qua một số công trình thủy điện xảy ra hiện tượng nứt, thấm nước thân đập gây lo ngại cho người dân. Điển hình là thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) bị thấm qua các khe nối với lưu lượng 75 lít/giây. Ngoài ra, quanh thủy điện này còn xảy ra hiện tượng động đất kích thích.
Nhiều công trình thủy điện có quy mô nhỏ do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư cũng xảy ra các sự cố nghiêm trọng. Chẳng hạn, thủy điện Đắk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông; thủy điện Đăm Bol – Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực; thủy điện Đắk Mêk 3 (Kon Tum) vỡ đập khi thi công; thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước; thủy điện Ea Súp 3 (Đắk Lắk) vỡ bể áp lực trong quá trình chạy thử…
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn tới các sự cố trên do một số chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập. Cụ thể, có tới 69/114 đập đã đến hoặc quá kỳ kiểm định, kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ nhưng vẫn chưa thực hiện. Trong 166 đập được kiểm tra, có tới 76 đập chưa xây dựng phương án bảo vệ đập.
Đáng lo ngại, Bộ NN&PTNT cho biết: Cả nước có tới 317 hồ bị hư hỏng các công trình đầu mối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn (tập trung vào nhóm hồ chứa dưới 3 triệu m3, chiều cao đập nhỏ hơn 15 m). Ngoài ra, còn có các công trình xuống cấp, nước thấm qua thân đập, hư hỏng cống, tràn xả lũ nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, quản lý an toàn đập thủy điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những chủ đập không chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn, bảo trì đập.
“Việc thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) vỡ đập khi mới bắt đầu tích nước là hồi chuông cảnh báo cho thấy, nếu không có biện pháp thỏa đáng thì chúng ta sẽ đối mặt với thảm họa. Thời gian tới, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc bảo đảm an toàn hồ chứa. Đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện những bất cập, sai phạm trong xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.