ThienNhien.Net – Trên cả một vùng tĩnh lặng rộng lớn ở Indonesia, thế chân cho những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp ngày trước giờ đây là những hàng cọ và keo theo hàng theo lối. Trước đây có hiều loài muông thú sinh sống trong rừng, còn ngày nay chỉ thấy những chiếc máy xúc đều đặn đi lại chuyển cây đến những nhà máy tinh dầu. Với những khu rừng rộng lớn nơi đây, cái kết dường như đã ở ngay trong tầm mắt.
Một dân làng của Bayesjaya bùi ngùi kể chuyện về những cánh rừng: “Cuộc sống bây giờ thật kinh khủng. Chúng tôi đang bị hủy hoại. Chúng tôi từng đi lấy nhựa cây, gỗ từ rừng… Nó từng là một cái siêu thị, là cửa hàng xây dựng, là nơi cung cấp nhiên liệu cho hàng nhiều thế hệ người sinh sống ở đây. Rừng từng là tất cả những gì mà chúng tôi có được”.
30 năm trước, trên hai hòn đảo Sumatra và Borneo lần lượt lớn thứ ba và thứ sáu thế giới um tùm những khu rừng mưa nhiệt đới xanh bạt ngàn tỏa ra bốn hướng. Hệ động thực vật nơi đây từng vô cùng phong phú với những hổ, voi, tê giác, tinh tinh… sống lẩn khuất bên dưới những tán rừng. Cũng nhờ có diện tích lớn mà những khu rừng này còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới.
Nhưng rồi con người xuất hiện cùng các phương tiện cơ giới. Họ đốn hạ lần lượt từng cánh rừng để những cánh đồng cây công nghiệp mọc lên, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất giấy vệ sinh, nhiên liệu sinh học và tinh dầu để đem phân phối đi khắp thế giới.
Dưới nhịp độ phát triển ồ ạt của ngành công nghiệp này, chỉ trong vòng một vài năm, một nửa diện tích rừng mưa được xếp vào hàng lớn thứ ba thế giới của Indonesia đã hoàn toàn biến mất. Mỗi năm, có gần một triệu ha rừng bị chặt phá. Những khu vực nguyên sinh may mắn còn sót lại ở các tỉnh Ache và Papua giờ đây đang tiếp tục trở thành mục tiêu nhòm ngó của các doanh nghiệp đốn gỗ, trồng cọ và phát triển mỏ.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, sự giảm sút của các loài hoang dã ở hai hòn đảo trên của Indonesia đang diễn ra một cách nhanh chóng. Chỉ trong vòng 20 – 30 năm tới, các nhà khoa học cho rằng nhiều loài tại đây có khả năng bị tuyệt chủng. Số lượng tinh tinh đã sụt giảm nghiêm trọng và hiện chỉ còn 250 – 400 con hổ cùng chưa đầy 100 con tê giác trong những cánh rừng. Với nhiều người, đây là một trong những thảm họa sinh thái kinh hoàng nhất của thế kỉ 21.
Hồi cuối tháng 6/2013, những cánh rừng trên đảo Sumatra lại tiếp tục bùng lên trong lửa đỏ do nạn đốt rừng trái phép. Khói bụi từ các đám cháy theo gió lan sang cả hai nước láng giềng Singapore và Malaysia, tạo ra một cuộc khủng hoảng khói bụi chưa từng thấy kể từ năm 1997 tại đảo quốc sư tử.
Những trận cháy rừng hàng năm tại Sumatra và Kalimantan (phần lãnh thổ ở Borneo thuộc Indonesia) vẫn bóp nghẹt bầu không khí trên một diện tích lớn gần bằng Singapore và Malaysia. Trong khi chính phủ Indonesia thường đổ lỗi cho những người sở hữu đất tư nhân và nông dân vì việc sử dụng phương pháp đốt rừng làm nương rẫy để tiết kiệm chi phí thì cũng có không ít người chỉ trích các công ty dầu cọ của Singapore và Malaysia vì đã đầu tư cho các công ty ở nước sở tại tiến hành phá rừng lấy mặt bằng để trồng cây cọ.
Đi đôi với sự biến mất của những khu rừng là việc những người dân địa phương vốn dựa vào sự hào phóng của rừng xanh để sinh sống hằng ngày lâm vào một cuộc khủng hoảng mưu sinh: Họ không biết đi đâu và làm gì. Theo Abetnego Tarigan, giám đốc của Walhi – một nhóm bảo vệ môi trường của Indonesia – “di sản của nạn chặt phá rừng là tình trạng đói nghèo, nạn di cư đến các thành phố…”. Nạn ô nhiễm và những vấn đề sức khỏe cũng sẽ bùng phát.